ISO 50001: 2011 – Chìa khóa quản lý năng lượng bền vững cho doanh nghiệp
Việc thiếu hụt năng lượng và chi phí dành cho năng lượng ngày càng tăng đang dần trở thành một thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia và các doanh nghiệp. Thiết lập, áp dụng và duy trì Hệ thống Quản lý Năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 được coi là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề quản lý năng lượng tại doanh nghiệp, mang lại những lợi ích thiết thực về chi phí, góp phần hạn chế sự phát thải khí nhà kính, hướng đến sự phát triển bền vững.
Trước thực trạng khai thác tài nguyên năng lượng và sử dụng năng lượng lãng phí và chưa hợp lí dẫn đến nguy cơ cạn kiệt các tài nguyên quý giá, đồng thời gây tổn thất không nhỏ tới lợi nhuận của chính doanh nghiệp, năm 2011, tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO 50001: 2011, Hệ thống Quản lý Năng lượng – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng.
Bằng việc đưa ra các yêu cầu cần có đối với một Hệ thống Quản lý Năng lượng, ISO 50001:2011 là một công cụ đắc lực cho mọi tổ chức, doanh nghiệp trong việc thiết lập, áp dụng và duy trì Hệ thống Quản lý Năng lượng nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, đồng thời tạo cơ sở cho việc tự đánh giá, tự công bố sự phù hợp, hoặc đánh giá và cấp chứng nhận về việc đáp ứng các chuẩn mực quản lý năng lượng bởi các Tổ chức chứng nhận.
Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 có thể áp dụng cho mọi tổ chức có nhu cầu, không phân biệt quy mô, hoạt động hay yếu tố địa lý; phù hợp với các tổ chức hoạt động với các quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, nằm trong danh sách cơ sở sử dụng trọng điểm, hoặc các doanh nghiệp phát thải khí nhà kính.
Mô hình Hệ thống Quản lý Năng lượng (theo ISO 50001)
Tiêu chuẩn quản lý năng lượng có thể được áp dụng một cách riêng biệt hoặc có thể lồng ghép với các tiêu chuẩn quản lý khác, nó đặt ra yêu cầu để các tổ chức tham gia cam kết cải thiện hiệu quả năng lượng sử dụng một cách thường xuyên. Việc chứng nhận phù hợp với hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 của một tổ chức chứng nhận độc lập không phải là yêu cầu bắt buộc của tiêu chuẩn này.
ISO 50001 giúp doanh nghiệp tiếp cận quản lý năng lượng theo khuôn khổ cải tiến liên tục Hoạch định - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động (PDCA), cụ thể:
- Plan (Lập kế hoạch): Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ năng lượng và thiết lập các chỉ số hoạt động năng lượng, mục tiêu, chỉ tiêu, các thủ tục kiểm soát và kế hoạch hành động cần thiết nhằm đạt được cam kết trong chính sách năng lượng và cải tiến hoạt động quản lý năng lượng tại tổ chức.
- Do (Thực hiện): Tiến hành thực hiện các thủ tục, kế hoạch hành động về quản lý năng lượng đã được thiết lập.
- Check (Kiểm tra): Giám sát và đo lường các quá trình và các yếu tố cơ bản của các hoạt động tác nghiệp, giúp xác định các kết quả cụ thể của hoạt động quản lý năng lượng trong tổ chức, chứng tỏ sự phù hợp với chính sách năng lượng và các mục tiêu năng lượng được thiết lập.
- Act (Hành động): Thực hiện các hành động cần thiết nhằm cải tiến liên tục hoạt động năng lượng và Hệ thống Quản lý Năng lượng của tổ chức.
Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO50001 giúp doanh nghiệp đạt được các lợi ích sau đây:
- Tuân thủ các qui định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Tiết kiệm được chi phí năng lượng nhờ đó giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh.
- Sử dụng nguồn nhân lực và các nguồn lực có sẵn trong doanh nghiệp một cách hiệu quả.
- Giảm liên tục mức năng lượng tiêu thụ trên đơn vị sản phẩm.
- Giảm phát thải mà không gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành.
- Chủ động kiểm soát chi phí năng lượng, giảm tác động khi giá năng lượng tang.
- Có hồ sơ ghi chép lại mức tiết kiệm để sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp và trình các cơ quan quản lý nhà nước theo Luật định.
- Tạo hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh và sạch đối với công chúng, các đối tác kinh doanh, khách hàng và các nhà nhập khẩu.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến quản lý năng lượng đối với các dự án giảm phát thải khí nhà kính.
- Hệ thống Quản lý Năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 được coi là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề quản lý năng lượng tại doanh nghiệp
Đánh giá về Hệ thống này, Ông Nguyễn Kinh Luân – Chuyên gia Tư vấn cho Văn phòng Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương cho rằng: “Đây là cơ chế các bên cùng thắng, giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, tức là làm giảm chi phí sản xuất; thêm vào đó còn giảm tác động đến môi trường, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động; nâng cao hình ảnh, uy tín, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.”
Với những lợi ích trên, ISO 50001:2011 thực sự là một công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần hạn chế phát thải khí nhà kính - nguyên nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu, giúp doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phạm vi toàn cầu./