175 nước ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Sáng 22/4, đúng vào Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất, tại trụ sở của Liên hợp quốc, thành phố New York (Mỹ), đại diện 175 quốc gia và tổ chức đã chính thức ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Lễ ký kết được xem là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu bước đi quan trọng đầu tiên nhằm đưa những cam kết quốc tế đi vào thực hiện. Đây là một sự kiện đáng nhớ của ngành ngoại giao quốc tế, bởi chưa bao giờ quy tụ được cùng lúc nhiều quốc gia ký kết một hiệp định chỉ trong vòng 1 ngày như vậy. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã tham gia buổi lễ này.
Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định: Hiệp định Paris là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và "là cách thức duy nhất để chúng ta cứu Trái đất".
Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo đầu tiên đặt bút ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Ảnh: TTXVN)
Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái. Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên lề lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết ý nghĩa của việc tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đối với Việt Nam: “Với Việt Nam, việc tham gia ký kết cũng như sẽ sớm phê duyệt Thoả thuận này, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Đồng thời, với việc tham gia ký kết Thoả thuận, Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội và chuyển hoá thách thức do biến đổi khí hậu gây ra thành những cơ hội mới, phục vụ phát triển đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững”.
Dự kiến, Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới./