Thế nào là một khóa tập huấn thành công?
Tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công nhân viên là hoạt động không thể thiếu ở nhiều tổ chức. Ngày nay, hầu hết các khóa tập huấn thành công đều sử dụng phương pháp phát huy sự tham gia tích cực của học viên. Vậy đâu là đặc trưng của một khóa tập huấn có sự tham gia? Điều gì làm nên thành công của khóa tập huấn theo phương pháp này?
Nếu dùng hình ảnh để so sánh thì tập huấn theo cách truyền thống giống như việc lái xe buýt. Tập huấn viên, giống như người lái xe, kiểm soát toàn bộ quá trình đưa học viên đến bến. Còn tập huấn có sự tham gia lại giống như một cuộc đua thuyền. Tập huấn viên giống như đội trưởng đội thi, chịu trách nhiệm chính nhưng nếu không có sự tham gia tích cực của các thành viên đội đua (học viên) thì cả đội sẽ khó về đích sớm.
Tập huấn có sự tham gia giúp xây dựng môi trường học tập tích cực, và hiệu quả, chất lượng của khóa tập huấn cũng cao hơn phương pháp tập huấn truyền thống. Những yếu tố sau giúp mang lại một khóa tập huấn thành công:
1. Hoạt động giới thiệu và làm quen
Giới thiệu làm quen là một hoạt động cần thiết để xoá đi không khí e ngại ban đầu tạo cơ hội để học viên và tập huấn viên làm quen với nhau, xây dựng mối quan hệ với các thành viên trong khóa tập huấn, thu thập mong đợi của học viên về khóa tập huấn.
Hoạt động giới thiệu làm quen nên tiến hành ngay sau khi khai giảng khoá tập huấn. Tập huấn viên có thể phát cho mỗi học viên một tấm thẻ để ghi tên, tự giới thiệu về mình (có thể giới thiệu theo nhóm nếu có nhiều thành viên đến từ một tổ chức), chia sẻ sở thích, mong đợi, hy vọng và e ngại khi tham gia khóa tập huấn.
Tập huấn viên tổng hợp mong đợi/hy vọng chung của các học viên, trình bày thành bảng treo tường để sử dụng đánh giá khi kết thúc khóa tập huấn.
2. Hoạt động khởi động
Hoạt động khởi động có mục đích:
• Tạo không khí cởi mở, thân thiện, cơ hội làm quen và tạo sân chơi cho mọi thành viên cùng tham gia góp phần xây dựng khóa tập huấn
• Kích hoạt và khuyến khích tinh thần và năng lực của học viên.
• Xóa bỏ không khí buồn ngủ hoặc mệt mỏi.
• Tạo thời gian nghỉ giữa hai nội dung/chủ đề.
Hoạt động khởi động có thể tiến hành vào đầu buổi học, sau khi giải lao, sau giờ nghỉ trưa hoặc khi thấy không khí lớp quá trầm do buồn ngủ/mệt mỏi.
Ví dụ: vào đầu buổi học có thể dùng hình thức văn nghệ, kể chuyện hoặc các trò chơi vận động nhẹ nhàng. Vào đầu giờ chiều hoặc khi không khí trầm nên sử dụng những trò chơi có tính chất vận động chân tay để xua tan cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi. Nếu sử dụng trò chơi cho hoạt động khởi động nên tiến hành theo trình tự sau: giới thiệu tên trò chơi, giải thích luật chơi, chơi thử, chơi thật và thưởng phạt.
Lưu ý sử dụng các trò chơi nhẹ nhàng và phù hợp với tuổi tác, giới tính và văn hoá.
3. Xây dựng nội quy khóa tập huấn
Tập huấn viên và học viên thống nhất nội quy cho khóa tập huấn để tất cả cùng thực hiện (thống nhất thời gian tập huấn, các quy định về bài tập, thực hành và chế độ thưởng phạt) để tạo cơ hội cho các học viên giám sát và bảo vệ nội quy họ đề ra, đồng thời giúp khóa tập huấn có nề nếp, quy củ.
4. Khảo sát, đánh giá đầu và cuối khóa tập huấn
Hoạt động khảo sát đầu khoá có mục đích:
• Khảo sát mức độ hiểu biết của học viên về nội dung sẽ tập huấn.
• Đánh giá kiến thức của học viên đầu khoá tập huấn để tập huấn viên có những điều chỉnh về nội dung và phương pháp nếu cần thiết.
• Dùng so sánh với kết quả cuối khoá tập huấn để đánh giá sự tiến bộ của học viên, hiệu quả của khóa tập huấn.
Hoạt động đánh giá cuối khóa tập huấn có mục đích thu thập nhận xét của học viên về khóa tập huấn để từ đó có những điều chỉnh phù hợp hơn ở những khóa tập huấn sau, nhằm mục tiêu:
• Xác định xem mục tiêu của khóa tập huấn có đạt hay không.
• Đánh giá mức độ tiếp thu và tiến bộ của học viên.
• Có kế hoạch bổ sung sửa đổi cho các khóa tập huấn tiếp theo.
Học viên đánh giá về các mặt:
• Hiệu quả dạy và kỹ năng của tập huấn viên.
• Mức độ phù hợp của phương pháp sử dụng, nội dung truyền đạt, tài liệu và giáo cụ trực quan
Việc khảo sát, đánh giá này có thể sử dụng các hình thức như kiểm tra viết hoặc nói; phiếu câu hỏi trắc nghiệm cho học viên; thảo luận nhóm giảng viên-học viên và quan sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của học viên.
5.Tăng cường sự tương tác trong suốt thời gian diễn ra khóa tập huấn
Tập huấn viên cần thiết kế các nội dung giảng dạy sao cho có thời lượng cho học viên phản hồi, đưa ra các câu hỏi, đóng góp cho nội dung tập huấn. Sự tham gia của học viên sẽ tích cực hơn nếu học viên có cơ hội được nói lên suy nghĩ, chia sẻ của mình và những gì mình chưa rõ, chưa hiểu.
Cần dành thời gian cho các bài tập tình huống, bài tập thực hành để học viên nắm vững các kiến thức mới và hình thành ngay trên lớp những kỹ năng cần thiết. Làm việc nhóm cũng rất tốt để học viên quen, thân, hiểu biết lẫn nhau và tích cực tham gia các nội dung tập huấn.
Phương pháp làm việc nhóm rất thích hợp trong các bài tập thực hành, bài tập tình huống, để học viên tích cực tham gia và qua đó tập huấn viên nắm được phản hồi của học viên và có những điều chỉnh cần thiết về liều lượng, phức thức tập huấn.
Tập huấn viên cần lưu ý dẫn dắt tất cả mọi người hướng vào mục tiêu chung, không đi chệch chủ đề và đảm bảo timeline, kế hoạch của khóa tập huấn.
6. Chuẩn bị tốt công tác hậu cần
Bên cạnh nội dung, phương pháp tập huấn thì công tác hậu cần cũng đóng một vai trò quan trọng, góp phần tạo nên thành công của một khóa tập huấn. Việc chuẩn bị tốt và chu đáo việc đi lại, ăn, ở cho học viên, cũng như các trang thiết bị, máy móc kỹ thuật, loa đài, văn phòng phẩm, tài liệu tập huấn,... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tập huấn diễn ra suôn sẻ.
Dựa vào nội dung, tính chất tập huấn, người tổ chức khóa tập huấn cần chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các trang thiết bị, tài liệu, vật dụng, công cụ hỗ trợ hoạt động của tập huấn viên và học viên trước khi bắt đầu mỗi buổi tập huấn./.