Hội thảo “Đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ Việt Nam”

Ngày 28/4, tại Hải Phòng, Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án FCPF) tổ chức Hội thảo kỹ thuật “Đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” cấp quốc gia.

Tham dự hội thảo có đông đủ các chuyên gia về REDD+ từ: Mạng lưới REDD+quốc gia ; Các tiểu nhóm kỹ thuật REDD+; các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước; Các dự án, chương trình về REDD+(FCPF, UN-REDD Việt Nam pha II, JICA, VFD...) và các tổ chức, cơ quan có liên quan, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp.

Trong thời gian hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá công tác chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam theo “Hướng dẫn khung đánh giá chuẩn bị sẵn sàng” do Quỹ đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) ban hành, đồng thời thảo luận kế hoạch hành động để hoàn thành công tác chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam.

Báo cáo Đánh giá mức độ Chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam là tài liệu tổng hợp quá trình chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở cấp quốc gia, bao gồm tất cả các hoạt động, tất cả các dự án REDD+ và  các Dự án có liên quan đến REDD+; các bài học kinh nghiệm; đánh giá những khoảng trống còn lại và đề xuất những giải pháp để hoàn thiện quá trình sẵn sàng thực hiện REDD+.

Sự tham vấn tại hội thảo là những đóng góp quan trọng để hoàn thiện Báo cáo Đánh giá mức độ Chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ của Việt Nam dự kiến trình lên Quỹ đối tác các-bon trong Lâm Nghiệp vào tháng 7/2016 và bảo vệ vào tháng 10/2016. Đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tiếp nhận thêm vốn tài trợ từ Quỹ Các-bon của FCPF cho giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng và giai đoạn thực hiện chi trả theo kết quả.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó giám đốc dự án FCPF và ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá Báo cáo dự thảo Tự đánh giá có sự tham gia về mức độ sẵn sàng thực hiện REDD+ có sự đầu tư cao, các tiêu chí đánh giá rõ ràng, chi tiết và minh bạch. Đồng thời hội thảo chia nhóm thảo luận theo 4 hợp phần của Báo cáo Đánh giá Mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ gồm 34 tiêu chí. Dựa trên những thành tựu, kết quả đã được tổng hợp trong Báo cáo dự thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của từng tiêu chí, đồng thời góp ý và bổ sung cho kế hoạch hành động để hoàn thành công tác chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam.   

Các đại biểu tích cực thảo luận để đánh giá một cách chính xác và toàn diện nhất các tiêu chí đã đề ra

Về tiêu chí thứ 7 “Sự tham gia và kết nối với các bên liên quan” và tiêu chí thứ 23 “Phân tích an toàn xã hội và môi trường”, đại biểu Vũ Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao có chia sẻ: “Cần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số và đề cao quyền quyết định của họ trong các chính sách về REDD+, đồng thời nên đưa ra cụ thể và chi tiết hơn những tác động khi thực hiện REDD+ đối với người dân tộc trong các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường, xã hội”.

Sau thời gian làm việc nghiêm túc và hiệu quả, cùng sự góp ý và chia sẻ tích cực từ các đại biểu, hội thảo đã thống nhất đưa ra kết quả: 1 tiêu chí đạt màu đỏ (chưa thấy có tiến độ gì),7 tiêu chí đạt màu cam (cần củng cố thêm), 24 tiêu chí đạt màu vàng (tiến độ khả quan) và 2 tiêu chí đạt màu xanh (tiến độ lớn).

Đại biểu Vũ Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao trình bày kết quả thảo luận 

Kết quả của hội thảo lần này cùng các kết quả tại các hội thảo tham vấn tại cộng đồng và cán bộ tỉnh, các tổ chức dân sự đại phương 6 tỉnh Bắc Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế được tổ chức trước đó sẽ được tổng hợp, chỉnh sửa và đưa ra thẩm định lại một lần nữa trong khuôn khổ một cuộc hội thảo tham vấn cấp quốc gia dự kiến được tổ chức vào tháng 5/2016, trước khi hoàn thiện và trình Báo cáo Đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam lên Quỹ đối tác các-bon trong Lâm nghiệp.

Hội thảo là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện REDD+, từng bước tiến tới việc thực hiện REDD+ thí điểm tại Việt Nam./

 

 

Việt Hồng
Fanpage
Liên kết website