Đánh giá môi trường chiến lược - công cụ dự báo và hạn chế tác động xấu tới môi trường
Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là một công cụ được sử dụng để quản lý và bảo vệ môi trường, mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn mà không gây tác động đến môi trường sinh thái.
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên phát triển hệ thống Đánh giá tác động môi trường và Đánh giá môi trường chiến lược. Từ năm 1969, việc phải tiến hành Đánh giá tác động môi trường đối với các dự án có quy mô lớn đã quy định trong Đạo luật về chính sách môi trường quốc gia. Tiếp đó, hệ thống này đã được giới thiệu và áp dụng tại các nước EU, Châu Á, ví dụ như Úc (1974), Thái Lan (1975), Pháp (1976); Philipines (1978), Israel (1981) và Pakistan (1983).
Tại Việt Nam, Đánh giá Môi trường Chiến lược (ĐMC) lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. ĐMC được định nghĩa “là việc phân tích và dự báo các tác động tiềm tàng của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm đảm bảo phát triển bền vững”.
ĐMC ra đời với mục đích lồng ghép các vấn đề về môi trường vào quá trình xây dựng Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển (CQK)và tạo điều kiện để việc ra quyết định được minh bạch và có sự tham gia.
ĐMC đưa ra một viễn cảnh xem xét liên ngành, đẩy mạnh được cách tiếp cận mang tính chiến lược và tổng hợp; thảo luận về các phương án thay thế khác nhau trong sự lựa chọn vẫn còn để mở; hỗ trợ cho quá trình ra quyết định chiến lược; gắn kết được các vấn đề môi trường và các nguyên tắc của tính bền vững vào quá trình xây dựng chính sách và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Là công cụ có khả năng loại bỏ được các dự án phát triển không khả thi, ĐMC giúp cho chính phủ tiết kiệm được các chi phí và thời gian liên quan đến việc giải quyết các vấn đề về môi trường ngay khi nó còn nằm trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đồng thời sớm giải quyết được các xung đột về môi trường. Với công cụ này, công chúng có cơ hội đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng các chính sách, kế hoạch một cách công bằng và dân chủ, tăng cường sự gắn kết giữa mục tiêu phát triển kinh tế trong quá trình xây dựng CQK và các vấn đề môi trường. Sự trợ giúp của ĐMC giúp hướng đến phát triển kinh tế một cách bền vững.
Mối liên hệ giữa quy trình xây dựng Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển và quy trình Đánh giá môi trường chiến lược
Hiện nay, thực trạng ĐMC ở các nước Đông Bắc Á tiên tiến hơn ở Việt Nam. Các nghiên cứu ĐMC của một số quốc gia tập trung vào các vấn đề môi trường bức xúc nhất mà các nước này đang đối mặt như ô nhiễm không khí ở Trung Quốc; động đất – sóng thần, ô nhiễm phóng xạ và vấn đề năng lượng nguyên tử ở Nhật Bản; và các tác động sinh thái ở Hàn Quốc.
Chính quyền tỉnh Pusan (Hàn Quốc) lập quy hoạch phát triển một thành phố tại cửa sông với dự định ban đầu là xây đê ngăn vịnh biển, lấy đất lập thành phố. Bằng nghiên cứu và áp dụng ĐMC, các nhà môi trường Hàn Quốc đã đề nghị bỏ phương án xây đê lấn biển, thay vào đó là vẫn mở của vịnh đồng thời phát triển các khu công nghệ cao ít ô nhiễm, lập hệ thống giao thông “xanh”, phát triển các công viên ven biển, mang lại nhiều lợi ích cho thành phố.
Bản đồ ven biển thành phố Pusan, nơi dự kiến xây đê lấn biển nhưng đã được điều chỉnh nhờ ĐMC
Chí phí cho ĐMC là khác nhau tuỳ thuộc vào bản chất của CQK. Ở Châu Âu, ĐMC có thể làm tăng thêm 5-10% tổng chi phí xây dựng CQK. Ở Việt Nam, chi phí cho ĐMC có thể chiếm khoảng 2-3% tổng kinh phí của CQK (theo quy mô của dự án, cấp tỉnh cấp vùng, cấp quốc gia) quyết định này có thể sẽ được điều chỉnh trên cơ sở thảo luận với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài Chính.
Với các công cụ nghiên cứu cũng như sự nỗ lực lồng ghép các mục tiêu môi trường vào quá trình làm Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch sẽ giúp cho việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường được thuận lợi hơn. Chi phí nhỏ nhưng mang lại nhiều lợi ích lớn, ĐMC đang dần dần chứng tỏ đây là một công cụ hữu dụng nếu có sự quan tâm và đầu tư thích đáng của những người làm Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch./