Thỏa thuận Paris – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Ngày 22/4/2016, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Hoa Kỳ), Việt Nam cùng với hơn 170 nước ký Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây được xem là văn kiện có tính chất bước ngoặt cho cuộc chiến ứng phó với BĐKH toàn cầu.

Việt Nam là một quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra .Với Việt Nam, việc tham gia ký kết cũng như sẽ sớm phê duyệt Thoả thuận này, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH toàn cầu cũng như ở Việt Nam.

Việc triển khai thỏa thuận Paris sẽ đem lại cho Việt Nam những cơ hội mới, bao gồm:

  • Thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gắn với xây dựng văn hóa các bon thấp và hài hòa với môi trường, khí hậu.
  • Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hướng đến mô hình phát triển các bon thấp trên toàn cầu, tăng cường liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc.
  • Đa dạng hóa nguồn lực, huy động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua phát triển cơ chế thị trường trong đó có định giá các bon, trao đổi tín chỉ các bon được thiết lập với cơ chế đầu tư và thanh toán theo kết quả và sản phẩm.
  • Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về năng lượng sạch, giảm những dự án phát thải lớn, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm từng bước thay thế nhiên liệu hóa thạch.
  • Thúc đẩy đầu tư vào ứng phó với BĐKH, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
  • Tăng cường sức chống chịu trước những tác động của BĐKH thông qua việc tạo cơ chế để các bên đề xuất kế hoạch thích ứng với BĐKH cũng như các yêu cầu về nguồn lực để triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà (giữa) tham gia chủ trì phiên họp toàn thể về kế hoạch, lộ trình thực hiện Thỏa thuận Paris

Bên cạnh những cơ hội mà Thỏa thuận Paris đem lại cũng tồn tại những thách thức đối với Việt Nam:

  • Thay đổi nhận thức, thói quen với mô hình phát triển dựa vào nguồn năng lượng tự nhiên, năng lượng hóa thạch để chuyển sang phát triển năng lượng sạch cần mộ khoảng thời gian dài.
  • Chưa có cơ chế ràng buộc pháp lý đối với cam kết về đóng góp tài chính, do đó chưa có gì đảm bảo thực hiện thành công cam kết huy động mỗi năm 100 tỷ USD kể từ năm 2020 trở đi cho các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, cũng như việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ xanh miễn phí hoặc chi phí thấp cho các nước đang phát triển như Việt Nam.
  • Sẽ hình thành những rào cản trên thị trường quốc tế do những quy định và yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn các bon trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với các loại sản phẩm, dịch vụ sử dụng nhiều tài nguyên, phát thải các bon lớn.
  • Yêu cầu phải đổi mới rất cơ bản về thể chế, chính sách cho phù hợp với những quy định quốc tế, đặc biệt là các cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự minh bạch trong các hành động ứng phó với BĐKH.
  • Biến đổi khí hậu sẽ vẫn diễn ra phức tạp, khó lường do những cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thực hiện Thoả thuận chưa đủ để đảm bảo mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới mức 2oC.

Đứng trước những cơ hội và thách thức mà Thỏa thuận Paris đem lại, chính phủ Việt Nam cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:

  • Chỉ ra được thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, bao gồm cả những cơ hội và thách thức do ứng phó với BĐKH khi thực hiện thỏa thuận Paris.
  • Rà soát cơ chế, chính sách trên cơ sở các nội dung của Thỏa thuận Paris để sửa đổi, bổ sung ban hành các cơ chế, chính sách ứng phó với BĐKH , phù hợp với những quy định mới hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai.
  •  Tăng cường việc tuân thủ, thực thi các quy định của quốc tế và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng phó với BĐKH.
  • Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát thải các bon thấp, thích ứng chủ động, hiệu quả với BĐKH. Sớm hình thành và phát triển một số chuyên ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn như vật liệu thông minh với BĐKH, năng lượng tái tạo...
  • Phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chủ động thích ứng với BĐKH./
Fanpage
Liên kết website