G7 cam kết kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu
Ngày 15/5, các bộ trưởng môi trường cùng các đại diện Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã bắt đầu hội nghị hai ngày tại thành phố Toyama nằm bên bờ biển Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Tamayo Marukawa kêu gọi các nước G7 phải tiếp tục hợp tác với nhau hướng tới “một xã hội bền vững”.
Sau hai ngày họp tại thành phố biển Toyama, Nhật Bản, Bộ trưởng Môi trưởng nhóm G7 đã thông qua một tuyên bố chung trong đó khẳng định sẽ sớm hiện thực hóa hiệp ước khí hậu Paris, đồng thời tìm kiếm biện pháp nhằm đưa ra chiến lược trung và dài hạn để chống lại tình trạng ấm lên của Trái Đất trước hạn chót vào năm 2020.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng môi trường Nhật Bản Tamayo Marukawa nhấn mạnh, nhóm G7 đã khẳng định ý chí chính trị mạnh mẽ rằng sẽ đi đầu trong việc triển khai các biện pháp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh sự cần thiết rằng các thành phố, đô thị và khu công nghiệp ở các nước cần phải chủ động đổi mới, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm để giúp thực hiện thành công những mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các đại biểu tại hội nghị. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)
Hội nghị hoan nghênh việc hơn 170 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định quyết tâm chắc chắn sớm thực thi các cam kết nhằm hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hội nghị cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa ra những chiến lược dài hạn nhằm giảm lượng khí phát thải, cam kết đề ra các chiến lược chống biến đổi khí hậu và trình lên Liên hợp quốc trong thời gian sớm nhất theo kế hoạch đã đặt ra.
Về việc cắt giảm lượng khí thải trong dài hạn, theo các Bộ trưởng Môi trường G7, việc định giá carbon, trong đó có giao dịch khí phát thải và đánh thuế carbon, là những "phương pháp hữu hiệu" nhằm thúc đẩy sự đổi mới và đầu tư carbon thấp.
Hội nghị cũng thông qua một giao thức mới " Khung Toyama về tái chế vật liệu” nhằm mục đích giảm 50% tình trạng lãng phí thực phẩm theo đầu người vào năm 2030. Khuôn khổ mới này cũng bao gồm việc tái chế rác thải từ các thảm họa thiên nhiên và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.
Đây là Hội nghị Bộ trưởng G7 đầu tiên kể từ khi gần 200 nước tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tháng 12/2015 nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850).
Tại COP21, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết cắt giảm khí thải CO2 tới 26% vào năm 2030 so với năm 2013. Con số này là khá cao so với các cam kết của các quốc gia G7 khác như Mỹ là 18% - 21%.
Hội nghị tại Toyoma cũng cho thấy kế hoạch của Nhật Bản thực hiện mục tiêu cải thiện 35% hiệu suất năng lượng vào năm 2030 - một cam kết khác của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại COP21.
Sự kiện trên là một trong hàng loạt cuộc họp cấp bộ trưởng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra ngày 26 và 27-5 tới tại tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản./