Chuẩn bị cho việc xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam

(NganHaMedia) - Một trong những cách thức thực hiện “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA) là NAMA tạo tín chỉ. Với những tiềm năng và cơ hội để thực hiện NAMA, Việt Nam đang từng bước mở rộng con đường tham gia thị trường trao đổi tín chỉ các-bon bằng Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” (VNPMR).

NAMA tạo tín chỉ là các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại các nước đang phát triển, theo đó, lượng khí nhà kính phát thải giảm được đo đếm, kiểm chứng, quy đổi chuyển thành các tín chỉ các-bon để mua bán, trao đổi trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nghị định thư Kyoto đã tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của một loại thị trường đặc biệt - thị trường carbon. Từ khi được thiết lập, thị trường carbon không ngừng lớn mạnh, gia tăng nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia. Năm 2011, giá trị thị trường các-bon thế giới đã tăng lên hơn 176 tỉ USD với khối lượng là 10,3 tỉ tấn các-bon. Thị trường carbon đến nay được xem là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính.

Trên thế giới Ngày 01/01/2005, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức thành lập thị trường buôn bán khí thải, là mô hình đầu tiên trên thế giới để trao đổi, buôn bán khí CO2 và năm loại khí thải khác gây hiệu ứng nhà kính (viết tắt là EU – ETS). Cho đến nay, EU – ETS là hệ thống thương mại hóa khí carbon lớn nhất trên thế giới. Theo báo cáo Thực tế và các Xu hướng phát triển của Thị trường các-bon năm 2008 của Ngân hàng Thế giới, giá trị của thị trường các-bon của năm 2007 tăng gấp đôi so với của năm 2006, tức là từ 31 tỉ lên đến 64 tỉ USD Mỹ.

Giá bán tín chỉ các-bon cũng rất khác nhau tùy vào thị trường, lĩnh vực và khu vực. Tại thị trường các-bon trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto, các tổ chức mua tín chỉ các-bon ở Châu Âu áp đảo cả về lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Trong khi tại thị trường các-bon tự nguyện, ngoài Châu Âu với 47% thị phần thì Bắc Mỹ cũng tham gia giao dịch với khối lượng và giá trị lớn chiếm 41% thị phần, tiếp theo là Châu Úc (4%), Châu Á (4%), Mỹ La Tinh (2%) và Châu Phi (1%). Dự báo đến năm 2020, khối lượng giao dịch của thị trường tự nguyện vào khoảng 1.638 triệu tấn CO2, tăng hơn 12 lần so với quy mô thị trường tự nguyện hiện nay.

Khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường các-bon (Nguồn: World  Bank-2012)

Ngân hàng Thế giới cho rằng thị trường carbon trong tương lai sẽ rất phức tạp, phụ thuộc vào cam kết của các nước phát thải lớn và các cơ chế sửa đổi để phù hợp vào điều kiện quốc gia và cam kết quốc tế. Giá bán tín chỉ carbon bình quân được dự báo từ 6 – 8 euro/tấn CO2e.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham gia thị trường carbon không chỉ là chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí nhà kính mà còn là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon, phát triển bền vững.

Mặt khác, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam đã xác định trên qui mô toàn cầu, đang dần hình thành các chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có thể tạo ra các rào cản mới trong thương mại. Nếu các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, không có lựa chọn phù hợp, hài hòa chính sách quốc gia với quốc tế thì không vượt được qua rào cản do chưa có đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để sản xuất ra hàng hóa đủ điều kiện tham gia thị trường  hàng hóa các-bon thấp.

Tại Hội nghị lần thứ 10 của Đại Hội đồng Chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon” tổ chức đầu tháng 11 năm 2014 tại Chi-lê, Đoàn công tác của Việt Nam đã trình bày đề xuất dự án VNPMR. Với sự đồng thuận tuyệt đối của đại diện 32 quốc gia tham dự, đề xuất Dự án VNPMR chính thức được thông qua.

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), dự án VNPMR được triển khai nhằm mục tiêu tăng cường năng lực xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với NAMA. Với thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn, dự án góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và trọng tâm là các mục tiêu cụ thể được xác định trong Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới.

Đối với Việt Nam, khi tham gia Thỏa thuận quốc tế mới mang tính ràng buộc pháp lý ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ kéo theo việc xuất hiện nhu cầu về mua bán/trao đổi tín chỉ các-bon trong nước. Nhằm từng bước thực hiện lộ trình nêu trên, ngày 21 tháng 11 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg. Việc đề xuất Dự án VNPMR sẽ góp phần từng bước triển khai đề án nêu trên và phù hợp mục tiêu của Chương trình PMR quốc tế.

Ngành sản xuất thép là một trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn tham gia thị trường các-bon (Nguồn: Internet)

Hai lĩnh vực được Việt Nam lựa chọn làm thí điểm tạo tín chỉ các-bon và xác định tiềm năng xây dựng thị trường các-bon sản xuất thép và quản lý chất thải rắn có tính khả thi cao. Đây là một trong các lĩnh vực ưu tiên cần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được xác định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam. Bên cạnh đó, đây là hai lĩnh vực có tiềm năng phát thải các-bon lớn, phương pháp tính toán mức độ giảm phát thải các-bon đã được xác định và kiểm chứng, đồng thời đã ban hành được một số chính sách quản lý chung đối với hai lĩnh vực này.

Những hoạt động thí điểm trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn được thực hiện ở một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh sẽ là bài học kinh nghiệm tốt để nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện các chính sách, công cụ quản lý nhà nước về NAMA.

Dự án VNPRM được triển khai sẽ góp phần nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện các chính sách, công cụ quản lý nhà nước về NAMA, tạo tiền đề quan trọng trong việc tham gia của Việt Nam vào thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế./

Fanpage
Liên kết website