Tiềm năng thực hiện NAMA tại Việt Nam

(NganHaMedia) - “Hành  động  giảm  nhẹ  khí  nhà  kính  phù  hợp  với  điều  kiện  quốc  gia”  (NAMA) -  là hành động giảm phát thải khí nhà kính tự  nguyện thực hiện bởi các quốc gia đang phát triển. Việt Nam là một nước bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời với việc xây dựngcác chiến lược, kế hoạch thích ứng, chúng ta cũng có nhiều cơ hội và tiềm năng xây dựng và thực hiện NAMA.

Các hành động giảm nhẹ  khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) là cơ chế giảm nhẹ khí nhà kính mới đối với các nước đang phát triển được hình thành tại Hội nghị lần thứ 13 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp  Quốc về BĐKH  (UNFCCC) (COP 13) tại Bali, In-đô-nê-xi-a và được nêu trong Kế  hoạch hành động Bali.

Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1997 là thỏa thuận quốc tế duy nhất mang tính ràng buộc đối với các nước phát triển về giảm lượng khí thải nhà kính. Ðối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam,  mặc dù không có nghĩa vụ  giảm phát thải định luợng, nhưng cũng được khuyến khích đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung toàn cầu để  có thể  giữ  nhiệt độ  trái đất vào cuối thế kỷ  tăng không quá  2ºC  so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đặc biệt, với sự đóng góp tích cực trong COP 21, Việt Nam đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Thực hiện NAMA giúp cơ cấu lại nền kinh tế-xã hội theo cách có thể hài hòa được hai mục tiêu là phát triển kinh tế-xã hội thích ứng với tác động của BĐKH và xây dựng nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh.

Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia đăng ký thực hiện NAMA với Ban Thư ký UNFCCC.

Thể  chế  để  thực hiện NAMA hiện nay ở Việt Nam đang trong  giai đoạn hoàn thiện. Một số hoạt động như tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật để  xây dựng các kịch bản cơ sở, kịch bản giảm phát thải, hình thành hệ thống MRV... đang được tiến hành.

Với sự nỗ lực, chủ động trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã sớm xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (ban hành tháng 12/2011). Mặt khác, khi Việt Nam tham gia Thỏa thuận quốc tế mới mang tính ràng buộc pháp lý ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ kéo theo việc xuất hiện nhu cầu về mua bán/trao đổi tín chỉ các-bon trong nước. Nhằm từng bước thực hiện lộ trình nêu trên, ngày 21 tháng 11 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg. Đề án đặt ra mục tiêu nhằm quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới.

Một số dự án, hoạt động chuẩn bị cho NAMA đã và đang được thực hiện tại Việt Nam:

- Dự án “Hợp tác về biến đổi khí hậu” do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ, ủy thác cho Ngân hàng Thế giới (WB) quản lý.

- Dự án “Tăng cường năng lực và đồng nghiên cứu về các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia” do OECC tài trợ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản.

-Dự án “Hỗ trợ Phát triển Năng lượng Tái tạo tại Việt Nam” được Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ, cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương.

- Dự án “Nâng cao năng lực cho các ngành công nghiêp và thương mại Việt Nam nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu” do UNDP tài trợ, bộ Công Thương là cơ quan chủ quản.

- Dự án “Tạo điều kiện thuận lợi và sẵn sàng cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính” do UNEP tài trợ, bộ Tài Nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản.

….

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) kí thỏa thuận thực hiện Dự án 

"Hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ BĐKH phù hợp với điều kiện quốc gia tại Việt Nam" 10/06/2014 

(Ảnh: Tin Môi trường)

Bên cạnh đó, năm  2010,  theo Thông báo quốc  gia lần thứ  hai của Việt Nam  cho UNFCCC, các phương án giảm nhẹ  khí nhà kính chủ yếu tập trung  vào ba lĩnh vực  là năng lượng, nông nghiệp và lâm nghiệp Tổng tiềm năng giảm nhẹ  khí nhà kính của 28 phương án thuộc ba lĩnh vực nêu trên là 3.270 triệu tấn các-bon tương đương. Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất thép, quản lý chất thải rắn, xây dựng, sản xuất phân bón hóa học…cũng là các lĩnh vực có tiềm năng phát thải các-bon lớn, được ưu tiên cần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được xác định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Việt Nam có tiềm năng và cơ hội xây dựng và thực hiện NAMA thể  hiện bởi mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính rõ ràng, cơ sở  pháp lý vững chắc, các cơ chế  phối hợp hoạt hành về BĐKH, kiểm kê khí nhà kính và tiềm năng giảm nhẹ khí nhà kính. Đồng thời, có thể  nhận thấy rằng tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động kinh tế - xã hội ở Việt Nam là tương đối lớn.

Những thành quả và kinh nghiệm trong triển khai các dự án có thể được áp dụng trong xây dựng và thực hiện NAMA. Triển khai thực hiện NAMA sẽ  là một cơ hội cho chuyển đổi công nghệ, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, phương thức sản xuất hướng tới nền kinh tế  các-bon thấp,  bảo vệ  môi trường và phát triển bền vững.

NAMA cần được hiểu thấu đáo để  có những lựa chọn phù hợp với điều kiện quốc gia, có hướng dẫn cụ thể hơn và cũng cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về NAMA để các Bộ, ngành, các thành phần kinh tế thực hiện./

 

Fanpage
Liên kết website