Ghi nhận từ đoàn làm phim về sử dụng đèn TKNL trong trồng thanh long trái vụ ở Bình Thuận

(NganHaMedia) - Với mục đích tuyên truyền về sử dụng đèn TKNL trong nông nghiệp, nông thôn đoàn làm phim công ty TNHH Truyền thông Ngân Hà đến ghi hình mô hình sử dụng đèn TKNL trong trồng thanh long trái vụ tại Bình Thuận – nơi triển khai dự án: “Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam”.

Vườn thanh long sử dụng đèn compact để chiếu sáng tại Bình Thuận

Thanh long là trái cây xuất khẩu chủ lực ở Bình Thuận. Từ năm1990 người dân đã biết dùng ánh sáng đèn để kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ, tăng hiệu quả kinh tế lên gấp đôi. Từ 300 ha ban đầu, đến nay ở Bình Thuận đã có 23 000 ha thanh long. Trước đây, người dân dùng đèn sợi đốt chong thanh long nên điện không đáp ứng đủ nhu cầu. Cứ 2 đêm thì có 1 đêm bị cắt điện, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng thanh long. Từ đó thúc giục chính quyền và người dân địa phương phải tìm ra giải pháp thay thế cho loại bóng đèn sợi đốt, nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng thanh long.

Nhiều hộ dân trồng thanh long ở Bình Thuận đã ý thức được việc phải chuyển đổi từ đèn sợi đốt sang đèn compact, nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến họ chưa mặn mà với đèn compact. Anh Ngô Văn Chứa – chủ trang trại hơn 2000 ha thanh long cho biết “Tôi cũng muốn chuyển qua sử dụng đèn compact, nhưng ở đây thường xảy ra tình trạng mất cắp bóng đèn mà gia đình tôi chưa bố trí được người để canh gác buổi đêm. Hơn nữa, chi phí khi sử dụng đèn compact khá lớn, trên thị trường giá bóng đèn compact đắt gấp nhiều lần bóng đèn sợi đốt”.

Nắm bắt được tâm lý của người dân, dự án: “Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam đã triển khai hoạt động hỗ trợ người dân bóng đèn compact sử dụng trong nông nghiệp, nhiều hộ trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam cũng được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động này.

Chúng tôi đến thăm vườn thanh long nhà chị Hồ Thị Mai khi chị và cán bộ tư vấn của dự án đang trao đổi về lợi ích của đèn compact. Biết đoàn làm phim chúng tôi đang làm phóng sự để tuyên truyền về hiệu quả của đèn compact, chị Mai hồ hởi chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi sử dụng bóng đèn sợi đốt chi phí hàng tháng mất khoảng 13 -  14 triệu tiền điện, nhưng sau khi chuyển qua bóng đèn compact giảm chi phí tiền điện còn khoảng 7 – 8 triệu/ tháng, chất lượng thanh long như nhau, không bị ảnh hưởng gì”. Từ những lợi ích đó, gia đình chị Mai đầu tư hơn 1200 bóng đèn compact chiếu sáng cho đợt thanh long trái vụ này, hứa hẹn cho mùa bội thu.

Chị Đào Thị Kim Dung, cán bộ tư vấn của dự án đã chia sẻ với đoàn chúng tôi về sự thay đổi trong việc sử dụng đèn compact tại hai xã của huyện Hàm Thuận Nam: “Khi dự án bắt đầu triển khai chúng tôi đánh giá Hàm Cường và Hàm Kiệm là hai địa phương trong huyện Hàm Thuận Nam có tỉ lệ sử dụng bóng đèn compact khá ít, khoảng 20 – 30%. Nhưng hôm nay khi kết thúc dự án chúng tôi nhận thấy tỉ lệ trên đã tăng lên rất khả quan. Số hộ dân dùng đèn compact đạt tới hơn 60% rồi. Đây là thành công lớn của dự án”.

Không dừng lại ở đó, việc chuyển đổi sang sử dụng đèn compact còn giúp chính quyền địa phương giảm nỗi lo về điện. Ông Đặng Văn Công - Chủ tịch UBND xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam cho biết: "Việc chuyển đổi qua bóng đèn compact đã làm cho địa phương không bị cúp điện luân phiên như trước đây. Người dân có đủ điện dùng để chong đèn thanh long trên diện tích ngày càng mở rộng".

Từ kết quả thực tiễn của dự án, chúng tôi tin rằng trong tương lai không xa toàn bộ diện tích trồng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam sẽ chỉ còn ánh sáng từ đèn compact trong mỗi vụ chong đèn thanh long.

Công ty TNHH Truyền thông Ngân Hà chúng tôi rất vui khi đem thông điệp từ huyện Hàm Thuận Nam đến với người dân cả nước: “Hãy sử dụng đèn compact trong nông nghiệp, nông thôn vì lợi ích của chính chúng ta”. Thông điệp này cũng phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Nguyễn Hường
Fanpage
Liên kết website