Ghi nhận từ chuyến làm phim tại Lương Sơn, Hòa Bình
(NganHaMedia) - Cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2014, công ty TNHH Truyền thông Ngân Hà đã thực hiện các đợt sản xuất, ghi hình tại nhiều tỉnh thành trên cả nước phục vụ việc sản xuất một số phóng sự về hoạt động và đóng góp của Trung tâm phát triển Nông thôn bền vững (SRD) – một trong những tổ chức phi chính phủ hàng đầu Việt Nam.
Đoàn làm phim đến ghi hình dự án “Đưa lý thuyết vào thực tiễn: Mở rộng quy mô quản lý đa dạng sinh học của người dân đối với an ninh lương thực” tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào một chiều cuối tháng 11/2014.
Trước đây gia đình chị Hoàng Thị Khuyên cũng như nhiều hộ gia đình khác ở Lương Sơn luôn phải mua giống lai từ các đơn vị sản xuất và phân phối giống trên thị trường. Nhưng thời tiết các năm gần đây có nhiều biến động nên thị trường nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu về các loại giống thích ứng được với sự thay đổi đó, hoặc nếu có thì xảy ra hiện tượng "cháy hàng", do nhiều vùng lân cận cũng chịu chung cảnh mưa nắng thất thường như vậy. Bên cạnh đó, khi mua giống ngoài thị trường người dân cũng không chủ động được về giống mỗi khi thời tiết không ủng hộ. Từ đó, nhu cầu của bà con nơi đây về giống lúa thích ứng được với thổ nhưỡng cũng như với điều kiện khắc nghiệt của khí hậu là hết sức cấp thiết.
Thời gian đầu khi cán bộ dự án đến tư vấn, người dân Lương Sơn vẫn không thể tin rằng họ có khả năng tự chọn tạo được giống lúa của riêng mình. Vẫn tràn đầy xúc động khi nghĩ về buổi ban đầu ấy, chị Khuyên chia sẻ với chúng tôi: “Không ai tin chúng tôi có thể sản xuất lúa giống được, UBND xã không tin mà ngay cả bản thân chúng tôi cũng thế”.
Từ khi được tham gia lớp học đồng ruộng do Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật huyện Lương Sơn tổ chức, chị Khuyên cùng các học viên khác đã được học kỹ thuật chọn giống và lai tạo giống. Không chỉ vậy, chị và bà con còn được tự mình đánh giá chất lượng các giống lúa từ đó quyết định lựa chọn giống lúa phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của huyện, cũng như điều kiện riêng của từng hộ gia đình. Chị Khuyên chia sẻ với chúng tôi: "Vụ xuân hè năm 2013, vì mưa to mà rất nhiều hộ trồng lúa lai mua của công ty giống trên thị trường bị mất mùa do thời gian sinh trưởng kéo dài. Trong khi đó, ruộng của các hộ dân là học viên của lớp học đồng ruộng trồng giống MĐ1 thì vẫn tăng trưởng đều. MĐ1 là giống lúa thuần, thời gian sinh trưởng ngắn, cho hạt gạo thơm ngon, có thể trồng cả vụ đông và hè".
Sau 3 năm triển khai dự án, nhóm lớp học đồng ruộng của chị Khuyên không những tự chọn tạo được giống lúa mà còn trao đổi với người dân ở các vùng lân cận. Vụ xuân 2014, sản lượng thóc giống nhóm lớp học đồng ruộng sản xuất đã lên đến 1,2 tấn và phạm vi trao đổi đã mở rộng hơn.
Khi đoàn làm phim chúng tôi đang trò chuyện với chị Khuyên và các chị em trong lớp học thì nhiều chị em từ các thôn xã khác đến gặp chị Khuyên để trao đổi giống lúa. Khi được hỏi lý do vì sao họ chọn giống lúa do nhóm lớp học đồng ruộng chọn tạo, chị Hoàng Thị Hương cho hay: “Nhà tôi cũng có những ruộng như các chị ấy, tôi thấy chất lượng hạt gạo thơm ngon, phù hợp với chất đất, chống được sâu bệnh nên tôi đổi về để vụ sau gieo trồng”
Người dân đến nhà chị Khuyên đổi giống lúa
Phỏng vấn chị Hoàng Thị Hương - người đến đổi giống lúa
Chị Khuyên tâm sự với chúng tôi: "Khi dự án kết thúc, lớp học cũng sẽ không còn, tuy nhiên chúng tôi sẽ vẫn triển khai việc trống giống lúa thương hiệu bản địa trên diện tộng, phục tráng giống lúa địa phương, và thành lập hợp tác xã để cung cấp giống cho bà con trong vùng."
Kết quả mà dự án đạt được chứng minh rằng việc chọn tạo giống, đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó với Biến đổi khí hậu không chỉ là việc của Nhà nước mà còn là việc của mỗi cá nhân, đồng thời cũng giúp người dân tin tưởng hơn vào bản thân, tin tưởng hơn vào khả năng của họ: “Nếu chịu khó và quyết tâm thì ai cũng có thể chọn giống, từ đó chúng tôi không còn phụ thuộc vào nguồn giống của công ty nữa” – chị Khuyên chia sẻ.
Dự án do Trung tâm phát triển Nông thôn bền vững triển khai thực hiện tại Lương Sơn, Hòa Bình có ý nghĩa thiết thực đối với bà con nông dân cũng như chính quyền địa phương. Dự án đã giúp người dân nơi đây tìm được hướng đi mới, giải quyết những vấn đề khó khăn mà họ đang phải đối mặt trong bối cảnh ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Đoàn làm phim chúng tôi vui mừng khi được đem những thước phim, những thành quả và sự nỗ lực của người dân Lương Sơn nói riêng cũng như người dân tỉnh Hòa Bình nói chung đến với bà con nông dân ở những nơi mà dự án chưa thể đến. Chúng tôi hi vọng sau một thời gian nữa khi quay trở lại mảnh đất này, tất cả người dân nơi đây đều có thể tự chọn tạo được giống lúa cho mình, đời sống người dân sẽ ngày càng cải thiện hơn./.