Bảo tồn và phát triển cây thuốc nam tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái
(NganHaMedia) - Địa điểm tiếp theo đoàn làm phim chúng tôi dừng chân là huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - nơi mà trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững đang triển khai thực hiện dự án: “Bảo tồn và phát triển cây thuốc và bài thuốc truyền thống để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số”.
Đồng hành cùng đoàn làm phim chúng tôi là anh Phạm Anh Tuấn - phụ trách dự án tại tỉnh Yên Bái. Anh Tuấn dẫn đoàn chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cây thuốc nam tại xã Bảo Ái. Bảo Ái là địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao. Đây cũng là xã vùng sâu vùng xa nên người dân rất khó để tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại. Từ xưa, người dân nơi đây đã biết vận dụng các kiến thức bản địa để chữa bệnh bằng các cây thuốc có sẵn quanh nhà và trong rừng. Ở mỗi thôn đều có “ông lang, bà mế” thu mua các cây thuốc để làm các bài thuốc bí truyền chữa được các bệnh như ung thư, rắn độc cắn…Việc làm này đã góp phần cải thiện đáng kể sức khỏe cũng như thu nhập của các hộ gia đình nghèo trong vùng.
Tuy nhiên, những năm gần đây cây thuốc nam ngày càng khan hiếm do người dân khai thác quá mức, cũng như chưa có ý thức trồng lại sau khai thác. Mặt khác, các bài thuốc dân gian dần mai một do phương pháp lưu truyền chưa khoa học, không ghi chép lại mà chỉ truyền miệng.
Trước thực tế đó SRD đã phối hợp với UBND huyện Yên Bình và hội Đông y tỉnh Yên Bái thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển cây thuốc và bài thuốc truyền thống để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số”. Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây thuốc nam của gia đình chị Nguyễn Thị Yến. Trong vườn nhà chị trồng nhiều loại thuốc quý, trong đó có Mạch môn, Đinh lăng, củ Dòm, lá Phôi và Hoàng tinh hoa trắng. Đây đều là các loại thuốc quý hiếm, năng suất cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Trong khi chia sẻ với chúng tôi chị Yến cho biết: “Trước đây chúng tôi không biết đến các cây thuốc nam này. Nhưng từ khi được đại diện hội Đông y đến tư vấn, chia sẻ các kiến thức, lợi ích của cây thuốc nam gia đình tôi cùng với nhiều hộ gia đình khác trong thôn chủ động tham gia vào dự án. Tôi nhận thấy việc làm này vừa có thể duy trì cây thuốc, vừa đem lại thu nhập cho người dân”.
Cán bộ SRD và đại diện hội Đông y tư vấn cho người dân về kỹ thuật trồng cây lá Phôi
Dự án mới thực hiện được hơn một năm nhưng đã đem lại những kết quả khả quan cho người dân. Với mô hình này mỗi thôn đã thành lập được một nhóm trồng cây thuốc nam, đến nay toàn xã có có 12 nhóm. Thành viên trong mỗi nhóm đều là những người có kinh nghiệm trồng và hiểu được lợi ích của cây thuốc nam. Các địa điểm thu mua cây thuốc tại các thôn, xã cũng được thành lập, giúp bà con tiết kiệm chi phí đi lại, giá thành ổn định. Trong khi trò chuyện với đại diện hội Đông y tỉnh Yên Bái chúng tôi được biết hiện tại người dân đã có thu nhập từ cây lá Phôi, các cây thuốc còn lại là cây lâu năm nên chưa được thu hái. Trên thi trường hiện nay lá Phôi tươi được bán với giá 30.000/kg, lá khô được bán với giá giao động từ 220.000/kg đến 250.000/kg.
Dự án SRD thực hiện tại huyện Yên Bình, Yên Bái không những đã giúp bà con nơi đây cải thiện đời sống, tăng thu nhập, gìn giữ, bảo tồn cây thuốc quý còn duy trì các bài thuốc truyền thống bằng phương pháp tư liệu hóa. Chúng tôi tin rằng rồi đây cuộc sống của người dân Yên Bình sẽ ngày được cải thiện. Họ sẽ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, đồng thời những cây thuốc, bài thuốc truyền thống tiếp tục được lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Công ty TNHH Truyền thông Ngân Hà hân hạnh được đem những thước phim về cây thuốc nam, mô hình bảo tồn cây thuốc bản điạ tại Yên Bình, Yên Bái đến các vùng xa xôi trên đất nước. Chúng tôi hi vọng qua những thước phim của mình, các mô hình này sẽ được nhân rộng thêm nhiều, góp phần giúp người dân cải thiện sinh kế, bảo tồn nhiều loài thuốc quý của dân tộc.