Quản lý rủi ro thiên tai để giảm tối đa thiệt hại

Thực tế thiên tai diễn biến ngày càng nhiều bất thường cho thấy, cần có sự nhìn nhận đúng mức về tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro thiên tai, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Cần tính đến yếu tố phi kinh tế

Theo GS Nguyễn Hữu Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường Phát triển (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam: Diễn biến thời tiết bất thường, nguy hiểm như trong đợt El Nino lịch sử năm 2015 - 2016, và những đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ do La Nina gây ra những ngày qua đã cho thấy mối liên hệ thiếu chặt chẽ giữa quản lý rủi ro thiên tai, đánh giá thiệt hại và mất mát trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quản lý rủi ro thiên tai để hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại (Ảnh: MH)

 Hiện Việt Nam đã có một hệ thống thu thập thông tin, đánh giá thiệt hại tương đối bài bản, từ cấp Trung ương đến cấp địa phương nhằm phục vụ công tác quản lý rủi ro thiên tai. Tuy vậy, quá trình đánh giá thiên tai chỉ mới tập trung vào các thiệt hại về kinh tế (nhà cửa, tài sản …) và an ninh con người mà chưa chú trọng đề cập nhiều đến các vấn đề phi kinh tế như: văn hóa xã hội, sự ổn định, đa dạng của hệ sinh thái, giáo dục… Tùy vào tai biến nhanh như bão hay tai biến chậm như hạn hán, các vấn đề này cần được xem xét, đánh giá và đưa vào kế hoạch phòng chống thiên tai.

Đa phần các giải pháp tập trung vào việc đưa ra phương án phản ứng nhanh và cứu trợ khẩn cấp, giải quyết những vấn đề mang tính nhất thời mà chưa tính toán đến hiệu quả lâu dài, cho những lần thiên tai sau. Giải pháp của mỗi ngành, mỗi cấp chính quyền, cộng đồng và người dân chưa thực sự liên kết chặt chẽ với nhau để tạo ra sức phòng hộ tổng thể. Khi nghe thông tin cảnh báo sớm, tuy đã cảnh giác nhưng họ lại mơ hồ không rõ mức độ ảnh hưởng của thiên tai như thế nào, hay sự chính xác của tin tức được cảnh báo để có thể đưa ra mức độ phản ứng phù hợp. Đây là những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại và mất mát mỗi khi thiên tai xảy ra.

Phát triển bảo hiểm rủi ro thiên tai

Một trong những giải pháp tài chính nhằm quản lý, khắc phục hậu quả rủi ro thiên tai là phát triển bảo hiểm rủi ro thiên tai. GS. TS Nguyễn Hữu Ninh nhận định: Bảo hiểm rủi ro thiên tai không phải là  “cứu cánh” cho các thiệt hại do thiên tai gây ra, nhưng là một giải pháp hữu hiệu để giúp các doanh nghiệp và người dân (đặc biệt là một cộng đồng dân cư cụ thể) giảm thiểu các thiệt hại họ phải gánh chịu.

Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với một số loại tài sản công của Việt Nam trong những năm gần đây ước lên tới gần 11.000 tỷ đồng/năm. Thời gian qua, các thiệt hại này được khắc phục chủ yếu bằng khoản dự phòng của ngân sách với tỷ lệ từ 2 – 5% tổng chi ngân sách hàng năm. Tuy vậy, mức này chỉ đảm bảo hỗ trợ 30% giá trị thiệt hại và chủ yếu nhằm cứu trợ khẩn cấp, chưa đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động phục vụ người dân.

Theo ông Nguyễn Mạnh Linh – Phó Tổng Giám đốc Công ty tái bảo hiểm Việt Nam VINARE: Mọi cá nhân, tổ chức doanh nghiệp và chính quyền các cấp đều phải gánh chịu những thiệt hại kinh tế nặng nề do thiên tai gây ra. Thường Chính phủ sẽ có các biện pháp hỗ trợ. Tuy vậy, thay vì đi phục hồi, tái thiết khi thiên tai đã xảy ra, nên có các giải pháp tài chính để giảm thiểu rủi ro xảy ra, tài sản công sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, không cần phải sử dụng ngân sách như hiện nay. Với doanh nghiệp và người dân, bảo hiểm sẽ giúp bảo vệ giá trị tài sản, giảm thiệt hại kinh tế, đảm bảo tính liên tục trong sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp trước mọi tình huống.

Hiện, đã có dạng bảo hiểm chỉ số, theo đó, số tiền bồi thường thiệt hại sau một sự kiện được xác định bởi một chỉ số đo lường thiệt hại đã được thỏa thuận trước (ví dụ cường độ động đất, mật độ mưa). Loại hình bảo hiểm này khác với bảo hiểm truyền thống - thường bồi thường trên cơ sở xác định những thiệt hại thực tế và nhiều ưu điểm (cấu trúc đơn giản, chi trả bồi thường nhanh, giá cả linh hoạt…).

Theo các chuyên gia nhận định, để phát triển loại hình bảo hiểm này cần giải quyết những khó khăn về cơ chế và nhận thức con người. Pháp luật Việt Nam đã khuyến khích việc tham gia bảo hiểm rủi ro thiên tai nhưng thực tế vẫn cần tiếp tục xây dựng các văn bản dưới luật, các hướng dẫn chi tiết hơn. Ngoài ra, cộng đồng còn nhận thức khá mơ hồ về thiên tai và tính rủi ro thiên tai, nên chưa chủ động thực hiện các biện pháp đầu tư quản lý rủi ro thiên tai, đặc biệt là đầu tư tài chính. Bên cạnh đó, thông tin về bảo hiểm rủi ro thiên tai cũng không được quan tâm phổ biến rộng rãi…/.

Theo Khánh Ly (baotainguyenmoitruong)
Fanpage
Liên kết website