Việt Nam luôn sẵn sàng cùng các đối tác phát triển chia sẻ thông tin về BĐKH

Sáng 25/10, Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển đã diễn ra tại Hà Nội.

Diễn đàn do Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT phối hợp với chương trình phát triển Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức.

Tham gia diễn đàn có các Ủy viên Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, lãnh đạo các bộ, ngành, các ủy viên của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đại diện nhóm các đối tác thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH, các đối tác quốc tế, các Đại sứ quán…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì diễn đàn

BĐKH ảnh hưởng rõ nét đến Việt Nam

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Đây là Diễn đàn rất quan trọng để Uỷ Ban quốc gia về biến đổi khí hậu Việt Nam và các đối tác phát triển cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam.

“Tại diễn đàn này, chúng ta cũng sẽ cùng nhau xác định các vấn đề còn thiếu hụt trong các cơ chế, chính sách, chương trình hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của các đối tác quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Phó Thủ tướng thông tin đến các đối tác phát triển: Do biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế. Hàng năm trung bình có từ 6 đến 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Số lượng bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Khu vực đổ bộ của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn. Nhiều cơn bão có đường đi phức tạp, dị thường. Hạn hán có xu thế tăng lên với mức độ không đồng đều giữa các vùng khí hậu. Hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra phổ biến. Hiện tượng nắng nóng gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt ở Trung Bộ và Nam Bộ….

Ngay trong năm 2016, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong buổi gặp mặt song phương với các đối tác phát triển trước giờ khai mạc diễn đàn

Trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược (phát triển hạ tầng, thể chế kinh tế xã hội và phát triển nguồn nhân lực), tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường . Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới là từ 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD

“Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, chúng tôi đã và đang chủ động, tích cựctriển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các chiến lược Tăng trưởng xanh, Phòng chống thiên tai, Phát triển năng lượng tái tạo...với nhiều chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó có Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC), bao gồm đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu” - Phó Thủ tướng cho biết.

Việt Nam tham gia và thực hiện đầy đủ yêu cầu của Thỏa thuận Paris

Về thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21, Phó Thủ tướng cho biết: Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng các nguồn lực trong nước và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

“Ngay sau Hội nghị COP21 năm 2015 tại Paris, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Kế hoạch hành động này hiện đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các Bộ, ngành triển khai và dự kiến nguồn lực để thực hiện, bao gồm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bắt buộc và nhiệm vụ khuyến khích thực hiện” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Về nội dung của diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ khảng định đây là cơ hội thuận lợi để các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển cùng chia sẻ, trao đổi về những vấn đề đặt ra, kinh nghiệm, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như làm thế nào để triển khai thành công Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.

Các đối tác khẳng định sự hợp tác với Việt Nam trong ứng phó BĐKH

Phát biểu tại diễn đàn, ông Yasuo Fujita - Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA đã nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác, và mối liên kết giữa chính sách với hoạt động thực tế tại Việt Nam. Về mặt chính sách, chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã được công nhận là một trong các nền tảng cho sự phối hợp phát triển và đối thoại từ năm 2009 cho đến nay.

Toàn cảnh diễn đàn

“Ngoài ra, chúng tôi, các đối tác phát triển đã và đang hỗ trợ việc áp dụng chính sách vào các hoạt động, ví dụ như chuyển đổi sang phương thức các-bon thấp thông qua xây dựng hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn; phát triển năng lượng tái tạo; đẩy mạnh quản lý nhu cầu thông qua phát huy hiệu quả năng lượng; giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (chương trình REDD+); giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai; và nhiều hoạt động khác nữa” - ông Yasuo Fujita cam kết.

Còn ông Ousmane Dione -  Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: diễn đàn hôm nay chính là dịp các đối tác cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các bên trong việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu và phát triển một nền kinh tế vững mạnh theo hướng sử dụng carbon-thấp, nhằm hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững.

 “Chúng tôi rất lạc quan rằng giai đoạn 2016-2020 của chương trình SP-RCC có thể giúp mang lại một số trong những phát triển về chính sách cần thiết để giúp cho Việt Nam giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cũng như huy động các nguồn lực sẵn có để góp phần vào việc thực hiện chương trình SP-RCC dưới sự lãnh đạo của Chính phủ. Khi chúng ta bước vào giai đoạn mới này, sự chỉ đạo của NCCC là rất quan trọng. Chúng tôi tin rằng sự cam kết mạnh mẽ từ Phó Thủ tướng cũng như các Bộ trưởng đang có mặt tại đây là rất cần thiết để đảm bảo có đuợc một khuôn khổ chính sách mạnh mẽ” ông Ousmane Dione nhấn mạnh./.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Fanpage
Liên kết website