IPCC đề nghị giới khoa học Việt Nam cùng đánh giá tác động BĐKH

Ngày 24/10, tại Hà Nội,  Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và (IPCC) tổ chức hội thảo “Thành quả của IPCC và các hành động của Việt Nam về biến đổi khí hậu”.

Hội thảo được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) tổ chức.

Tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo có ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam; ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức xã hội và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc Hội thảo

IPCC với những nỗ lực tích cực cùng cộng đồng thế giới ứng phó với BĐKH

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, cộng đồng thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về tác động của BĐKH. Nỗ lực ứng phó với BĐKH được thể hiện qua việc thông qua Thỏa thuận Paris tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP21). Hiện nay, các nước đang gấp rút triển khai các bước để phê chuẩn và chuẩn bị thực hiện Thỏa thuận này kể từ năm 2021.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao các thành tựu khoa học chuyên sâu về BĐKH đã đạt được của IPCC có ý nghĩa to lớn đối với nỗ lực chung của toàn cầu trong ứng phó với BĐKH. Các báo cáo của IPCC đã góp phần giúp thế giới hiểu rõ hơn về BĐKH; những diễn biến khó lường; đồng thời đưa ra những đánh giá khoa học về mức độ tổn thương đối với tác động của BĐKH, từ đó đề ra các giải pháp, các công nghệ thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu.

Những đề xuất trong các báo cáo của IPCC đã cung cấp những thông tin quý báu, giúp các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia đưa ra các quyết sách phù hợp về ứng phó với BĐKH. Các kết quả được tổng hợp từ những nghiên cứu và phương pháp do IPCC đề xuất là cơ sở cho các nhà khoa học nghiên cứu, đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp và hiệu quả cho từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan đầu mối giúp Chính phủ Việt Nam về các vấn đề liên quan đến BĐKH, Thứ trưởng cảm ơn IPCC về những nỗ lực không mệt mỏi trong những năm qua. Đồng thời, cảm ơn Tiến sỹ Heosung Lee, Chủ tịch của IPCC cùng Trưởng các Nhóm công tác của IPCC đã đến Việt Nam để chia sẻ với các Bộ, ban, ngành của Việt Nam về những kết quả nghiên cứu, tổng hợp của IPCC thể hiện trong Báo cáo đánh giá tổng hợp lần thứ 5 (AR5) và dự kiến Báo cáo đánh giá tổng hợp lần thứ 6 (AR6) về những hệ lụy đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đề cập đến Báo cáo AR6, ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC cho biết, Báo cáo sẽ được xây dựng trên cơ sở của Báo cáo AR5 về tác động toàn cầu của BĐKH (được hoàn thành vào năm 2014). Hiện tại, IPCC cũng đang xây dựng “Báo cáo đặc biệt về tác động của sự nóng lên toàn cầu 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và các đường phát thải khí nhà kính tương ứng”.

“Trong Báo cáo AR6, chúng tôi mong muốn các nhà khoa học giải quyết các câu hỏi mang tính địa phương và cung cấp các thông tin khoa học để có thể đưa vào các đánh giá. Chúng tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ đề cử các nhà khoa học tham gia với vai trò tác giả cho các chủ đề liên quan đến báo cáo đánh giá của IPCC” - ông Hoesung Lee nói.

Việt Nam: Triển khai nhiều hành động ứng phó và thích ứng với BĐKH

Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh đến việc Việt Nam luôn nhận thức rõ ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và chiến lược về ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai và tăng trưởng xanh nhằm vượt qua những thách thức do BĐKH gây ra, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, cũng như chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu của Trái Đất.

Đối với quốc tế, Việt Nam đã đệ trình Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) ngay trước thềm Hội nghị COP21 thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH toàn cầu. Đồng thời, ngay sau Hội nghị COP21, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ban, ngành cùng sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, đối tác phát triển gấp rút xây dựng các kế hoạch phê chuẩn và thực hiện Thỏa thuận Paris.

Đoàn chủ trì Hội thảo

Ở trong nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong ứng phó với BĐKH là xây dựng kịch bản BĐKH chi tiết cho các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và công bố kịch bản BĐKH và nước biển dâng năm 2009 và năm 2012. Năm nay, kịch bản BĐKH được cập nhật dựa trên kết quả mới nhất trong Báo cáo AR5 của IPCC. Kịch bản BĐKH lần này được cập nhật theo lộ trình đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về BĐKH, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế BĐKH và nước biển dâng trong quá khứ và kịch bản BĐKH và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, cho các Bộ, ngành và địa phương, qua đó thực hiện các giải pháp phù hợp về khoa học, công nghệ; cũng như các giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm thích ứng với những tác động của BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Thông qua Hội thảo hôm nay, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân hy vọng các nhà lãnh đạo, nhà khoa học và những người hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH sẽ có cơ hội để trao đổi, chia sẻ cùng với các chuyên gia của IPCC về tình hình BĐKH, kịch bản BĐKH và nước biển dâng, công tác ứng phó với BĐKH, các kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris để cùng nhau nhìn nhận rõ về tình hình BĐKH ở Việt Nam, từ đó thực hiện tốt hơn nữa công tác ứng phó với BĐKH, gắn kết chặt chẽ với khoa học thế giới và tham mưu cho Chính phủ xác định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tại Hội thảo, các nhà khoa học trình bày kết quả của Báo cáo AR5. Đây là báo cáo góp phần quan trọng vào Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được thông qua vào tháng 12 năm 2015. Báo cáo AR5 nhận định rằng thế giới có đủ khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu và xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn, nhưng để có thể đạt được mục tiêu giới hạn sự nóng lên ở mức dưới 2ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp, cần giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trong các thập kỷ tới.

Một trong các diễn giả, Ông Hans-Otto Pörtner, đồng Trưởng Nhóm Công tác II của IPCC về tác động của BĐKH và các nỗ lực thích ứng, cho biết: “Phát thải cao kéo dài sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam vốn dễ bị tổn thương bởi một loạt các tác động của BĐKH, bao gồm mực nước biển dâng và các hiện tượng khí hậu cực đoan. BĐKH là mối đe dọa cho sự phát triển bền vững, tuy nhiên có rất nhiều cơ hội để liên kết việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng BĐKH với các mục tiêu xã hội khác”.

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học của Việt Nam trình bày dự thảo Kịch bản về BĐKH và mực nước biển dâng năm 2016 cho Việt Nam, các hành động ứng phó với BĐKH của Việt Nam và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris./.

Tổng hợp từ Monre
Fanpage
Liên kết website