Những thách thức liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia

Thực tế phát triển và xu hướng chiếm hữu tài nguyên đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế hơn trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế.

Nguyên nhân và thách thức

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 150 quốc gia đang cùng nhau chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước để phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế và phát triển.

Các nguồn nước chảy qua nhiều quốc gia đó đòi hỏi phải có sự hợp tác và chung sức để xử lý các vấn đề liên quan, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng.

Phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước đang đặt ra nhiều thách thức (Ảnh: TTXVN)

Biến đổi khí hậu đang làm cho các nguồn nước xuyên lãnh thổ biến đổi phức tạp và rất khó lường. Biến đổi khí hậu đã hiện hữu, dẫn đến những diễn biến thiên tai bất thường, cực đoan với quy mô và cường độ ngày càng gia tăng. Nhiều quốc gia đang đứng trước thực trạng nước sông, nước ngầm suy giảm đáng kể hoặc cạn kiệt, các lớp băng tan nhanh hơn, mực nước biển, triều cường và xâm nhập mặn gia tăng…, ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp nước cho đời sống, sản xuất.

Bên cạnh đó, xu thế cạn kiện, suy thoái nguồn nước sạch, gồm cả các nguồn nước xuyên biên giới trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới. Các hoạt động khai thác quá mức, gây ô nhiễm nguồn nước ở thượng nguồn không chỉ là ảnh hưởng mang tính cục bộ địa phương mà còn lan rộng ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng và chất lượng nguồn nước ở hạ lưu.

Ngoài ra, việc gia tăng khai thác sử dụng ở thượng nguồn, đặc biệt là việc xây dựng các đập thủy điện ở các nước nằm trên thượng nguồn các con sông xuyên quốc gia, đã và đang tác động đến chế độ dòng chảy vào các nước dưới hạ nguồn, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất của các ngành kinh tế sử dụng nước như là nguồn “nguyên liệu” chính.

Sự đồng thuận, khung pháp lý và cơ chế phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia còn chưa đầy đủ. Ở một số lưu vực sông xuyên quốc gia, các hiệp định, thỏa thuận về chia sẻ, sử dụng và bảo vệ nguồn nước còn chưa được một số nước thành viên tham gia; hay chỉ có một số hiệp định, thỏa thuận về một vài khía cạnh của tài nguyên nước mà chưa đề cập đến các khía cạnh sử dụng, chia sẻ lợi ích khác.

Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin về diễn biến nguồn nước và tình hình khai thác sử dụng nước giữa các quốc gia có một phần lãnh thổ nằm trong lưu vực sông này còn nhiều hạn chế.

Nhận thức rõ những thách thức trên, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hoà nguồn nước giữa các quốc gia; ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Tuy vậy, chúng ta còn đang gặp rất nhiều khó khăn đó là: Mặc dù đã thống nhất xây dựng khá nhiều các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước nhưng thực tế, phát triển và xu hướng chiếm hữu tài nguyên đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế hơn trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế.

Việc thực hiện cơ chế chia sẻ nguồn nước theo Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nước cho mục đích phi giao thông thủy chưa được các quốc gia trong khu vực quan tâm, tham gia và chia sẻ.

Đây là một trong những nguyên nhân cùng hiện tượng El Nino gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua được xem là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm gần đây.

Trong phạm vi quốc gia, nguồn nước liên tỉnh là nơi gánh chịu những đánh đổi rõ nét nhất từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Sự biến động của hệ sinh thái sông ngòi tất yếu dẫn đến những thay đổi liên hoàn của môi trường, tác động lên hệ sinh thái và cuộc sống con người.

Nguồn sinh kế truyền thống và nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu từ bao đời đã bị giảm sút hoặc thậm chí biến mất ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, sự phân bố không đồng đều và khan hiếm nguồn nước cũng khiến việc chia sẻ, sử dụng nguồn nước thiếu công bằng, hợp lý giữa các địa phương, các hộ sử dụng nước.

Giải pháp chủ động ứng phó với các kịch bản xấu về nguồn nước

Giải pháp thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Hai là tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tổ chức thực hiện có chính sách để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Ba là lập và triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung cho cả nước, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, liên quốc gia liên vùng và quy hoạch tài nguyên nước của từng địa phương, làm cơ sở giải quyết đồng bộ các vấn đề chia sẻ, bảo vệ các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.

Bốn là tổ chức triển khai thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa trong trên các lưu vực sông; đồng thời rà soát các quy trình đã ban hành đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm.

Năm là tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Hồng và Mê Công với các quốc gia thượng nguồn; tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị, đề xuất, giải pháp của Nghiên cứu, đánh giá tác động tích lũy của hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Sáu là đẩy mạnh công tác cảnh báo, dự báo diễn biến lượng mưa, tài nguyên nước và xâm nhập mặn phục vụ công tác điều tiết nguồn nước, đảm bảo đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân./.

Tiểu Song (Tổng hợp từ TTXVN)
Fanpage
Liên kết website