Lá chắn xanh bảo vệ vùng ven biển trước tác động của BĐKH
Tại các xã vùng đệm Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), bảo vệ và phát triển những cánh rừng ngập mặn là cách người dân sống chung với tác động của biến đổi khí hậu.
Bảo vệ rừng từ cơ chế chia sẻ lợi ích
Ông Nguyễn Phúc Hội, Phó Giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết: Việc trồng mới và bảo vệ rừng đạt hiệu quả khi gắn với nâng cao đời sống của người dân trong vùng. Hơn 10 năm qua, VQG đã cùng với chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn đã thực hiện thành công cơ chế chia sẻ lợi ích nguồn tài nguyên thiên nhiên. Người dân ổn định cuộc sống nhờ phát triển nhiều mô hình kinh tế dưới tán rừng ngập mặn như: Nuôi ngao, tôm, nuôi ong lấy mật, trồng nấm, khai thác rau câu… Đáng chú ý, sản lượng nuôi ngao ở khu vực này được xếp loại hàng đầu cả nước, ổn định khoảng 12.000 tấn với mức thu nhập từ 150 - 200 tỷ đồng/năm.
Thành công nữa phải kể đến là mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Người dân địa phương tham gia các khóa đào tạo, tập huấn được trang bị những kĩ năng cơ bản, được hỗ trợ cải tạo nhà cửa để đón khách du lịch và phát triển các đặc sản địa phương. Họ đã dần làm chủ được mô hình và tạo được thu nhập thay thế cho canh tác lúa, hoa màu, khai thác hải sản thủ công như trước.
Song song phát triển kinh tế, VQG rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường cho cộng đồng địa phương. Một thuận lợi đó là hầu hết người dân đều nắm khá rõ về biến đổi khí hậu và họ hiểu được, việc trồng rừng ngập mặn chính là để hạn chế những tác động tiêu cực do BĐKH gây ra, bảo vệ cuộc sống của chính mình. Người dân đã hình thành và nâng cao ý thức trân trọng rừng ngập mặn và thiên hướng sử dụng rừng khôn khéo, bền vững nguồn tài nguyên đất ngập nước.
Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 3.110ha rừng; trong đó rừng phòng hộ là 1.955ha, tập trung ở các xã vùng đệm VQG Xuân Thủy (Giao Thủy) gần 585ha, các xã của Nghĩa Hưng: Nam Điền 186ha, Nghĩa Lâm 275ha, Nghĩa Hải 221ha, Nghĩa Thành 282ha… và rải rác tại các xã, thị trấn ven biển. Tại khu vực VQG Xuân Thủy, đã tạo được bức tường rừng ngập mặn dày khoảng 1 - 2km tính từ đê biển đến rìa của khu rừng. Đặc biệt, thực tế các cơn bão những năm gần đây cho thấy, nơi nào có rừng phòng hộ che chắn thì hạn chế được rất nhiều thiệt hại, còn nơi nào không có rừng thì thiệt hại rất lớn: đê biển bị sạt lở nghiêm trọng, các công trình ao và đầm nuôi trồng thủy sản (NTTS) bị phá hủy, nước mặn tràn vào đồng ruộng, thiệt hại rất lớn, tính mạng của con người bị đe dọa…
Củng cố “lá chắn xanh”
Là lá chắn trước tác động của BĐKH, nước biển dâng nên những cánh rừng ngập mặn không tránh khỏi bị thiệt hại do bão lớn, áp thấp nhiệt đới, triều cường, thậm chí là rét đậm, rét hại.
Theo ông Nguyễn Phúc Hội, khảo sát tháng 7/2016 cho thấy, thiên tai đã làm chết hơn 200 ha rừng vùng đệm VQG Xuân Thủy. May mắn là các loài cây ngập mặn có khả năng hồi sinh mạnh mẽ, nhiều diện tích mọc chồi non mới nên đã giảm con số thiệt hại xuống còn khoảng 110 ha.
Một nguyên nhân nữa là sự biến động của các yếu tố tự nhiên như: dòng chảy sông Hồng qua cửa Ba Lạt, sự biến động của các dòng hải lưu… đã làm thay đổi tính chất đất ở một số bãi triều. Theo ông, nhiều diện tích bãi triều trước đây có rừng trồng sinh trưởng tốt, nhưng nay, có hiện tượng cốt đất tôn cao và pha cát (vùng cửa sông Trà huyện Giao Thủy) hoặc đất bị xói lở (Cồn Mờ, Nghĩa Hưng) làm cây còi cọc và chết, dẫn đến diện tích rừng giảm. Diện tích trồng rừng phòng hộ ven biển đang có tình trạng suy giảm về diện tích và chất lượng rừng còn do một số địa phương phá rừng để chuyển đổi sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội (NTTS, du lịch, xây dựng các công trình…). Ngoài ra, có hiện tượng một số người thiếu ý thức đã phá rừng khi khai thác hải sản ven bờ cũng dẫn đến suy giảm diện tích rừng… Chính vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là đẩy mạnh công tác khôi phục và phát triển rừng ngập mặn, không chỉ khu vực VQG mà cho toàn tỉnh Nam Định.
Theo ông Bạch Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, hiện nay, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Chương trình hành động ứng phó BĐKH, ưu tiên nhiệm vụ phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển. Quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 xác định tổng diện tích 11.850ha rừng và đất rừng, trong đó rừng đặc dụng (VQG Xuân Thủy) 7.100ha, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là 4.750ha (tập trung tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy 4.540ha).
Hiện, tỉnh Nam Định đang triển khai 2 dự án về phát triển rừng ngập mặn là “Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 - 2020” và dự án “Giảm sóng ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ nam Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng”. Ngoài ra, còn có dự án “Trồng rừng phòng hộ ứng phó với BĐKH” của Ngân hàng Tái thiết Đức trong năm tới. VQG Xuân Thủy cũng nằm trong quy hoạch các dự án này để trồng mới, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, nhằm hạn chế tác động của BĐKH toàn cầu, nước biển dâng; chắn sóng, gây bồi lấn biển, bảo vệ đê biển, phòng chống thiên tai; tăng cường đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư ven biển; tôn tạo vẻ đẹp cảnh quan góp phần cải thiện, nâng cao môi trường sinh thái; tăng cường bảo vệ an ninh biên giới ven biển, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương./.