Giảm phát thải khí nhà kính: Từng bước đi cụ thể
Từ tháng 9/2016 – tháng 8/2017, Bộ TN&MT sẽ đánh giá nhu cầu công nghệ của các lĩnh vực nhằm thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính. Đây là bước đi khởi đầu cho quá trình cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
45 phương án giảm phát thải
Chính phủ Việt Nam đã đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) lên Ban thư ký Công ước khí hậu vào tháng 9/2015, bao gồm các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030. Cụ thể, Việt nam sẽ tự lực giảm 8% lượng phát thải so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Để thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu và hoàn thành mục tiêu INDC đúng thời hạn, các Bộ ngành đã cùng thống nhất Kế hoạch thực hiện hoạt động giảm nhẹ quốc gia ưu tiên đến năm 20230. Kế hoạch tập trung vào việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, hoàn thiện thể chế liên quan đến giảm nhẹ phát thải KNK; phân công các Bộ ngành thực hiện các nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải KNK theo từng lĩnh vực; thực hiện kiểm kê KNK định kì và tham gia đánh giá nỗ lực toàn cầu về giảm nhẹ phát thải KNK.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: INDC của Việt Nam đề ra 45 phương án giảm nhẹ phát thải/hấp thụ KNK, chia ra 4 lĩnh vực là Năng lượng, Nông nghiệp, LULUCF (Sử dụng đất thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp) và chất thải. Các phương án được phân loại theo tỉ lệ phần trăm mỗi lĩnh vực thực hiện trong chỉ tiêu giảm phát thải chung; theo nguồn tài chính do quốc gia tự thực hiện hay có hỗ trợ quốc tế.
Ví dụ lĩnh vực năng lượng là lĩnh vực phát thải chính của Việt Nam. Trong điều kiện tự thực hiện, phương pháp chính là sử dụng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; tăng cường hiệu quả năng lượng bằng cách sử dụng điều hòa, tủ lạnh hiệu suất cao; cải tiến dây chuyền sản xuất gạch, xi măng; giảm phương tiện giao thông cá nhân và thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa ít phát thải; sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện nhỏ, điện gió, bình đun nước năng lượng mặt trời. Khi có hỗ trợ quốc tế, Việt Nam sẽ phát triển sản xuất các loại năng lượng tái tạo đòi hỏi công nghệ cao và đầu tư tốn kém hơn như nhiệt điện sinh khối, điện gió, nhiệt điện siêu tới hạn, điện khí sinh học; Sử dụng Ethanol trong giao thông vận tải… Điểm chung là hầu hết các giải pháp đều cần phải có sự đầu tư thay đổi về khoa học công nghệ.
Cần đánh giá nhu cầu công nghệ giảm phát thải
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành đánh giá nhu cầu công nghệ giảm nhẹ phát thải KNK. Đây là 1 bước chuẩn bị cho việc thực hiện INDC, giúp nhận dạng và đánh giá tính khả thi của các công nghệ phù hợp với 45 phương án trên. Thông qua Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI-NAMA)” do JICA tài trợ, Bộ TN&MT sẽ xây dựng danh mục các công nghệ giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ông Makoto Kato, đại diện JICA cho biết, các chuyên gia của dự án sẽ đàm thoại ban đầu với các bên liên quan tại Việt Nam, rà soát lại các công nghệ ít carbon tiềm năng để có 1 danh mục ban đầu. Bước tiếp theo là thảo luận kỹ thuật theo hình thức tương tác 3 bên giữa nhóm chuyên gia TNA, Ban cố vấn và các bên liên quan. Sau đó là lựa chọn công nghệ ưu tiên và tìm hỗ trợ tài chính cho dự án thí điểm. Quá trình này này diễn ra trong 1 năm, từ tháng 9/2016 đến hết tháng 8/2017.
Kết quả của hợp phần đánh giá nhu cầu công nghệ là xác định được các công nghệ Carbon thấp có thể ứng dụng cho từng phương án giảm thiểu của INDC và khí HFC tại Việt Nam. Đây cũng là tiền đề trong việc liên kết giữa nhà chuyển giao công nghệ và nhà đầu tư, tiếp nhận công nghệ.
Chia sẻ về dự án này, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH cho biết: Dự án sẽ kế thừa những kết quả nghiên cứu về nhu cầu công nghệ trước đó và thu thập thông tin theo hướng từ dưới lên. Sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước là đóng góp quan trọng cho tiến trình xây dựng và thực hiện thành công các mục tiêu giảm nhẹ được đưa ra trong INDC của Việt Nam./.