Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu – Kết quả và hạn chế

Tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động không nhỏ đến cuộc sống con người trên toàn hành tinh. Để tìm kiếm những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 23/9/2014 Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu đã được diễn ra tại New York (Mỹ). Hội nghị khép lại với những kết quả đáng khích lệ song vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị  (AFP photo/Timothy A. CLARY).

Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết hành động

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khẳng định không có quốc gia nào có thể một mình đối phó với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy Tổng thống Mỹ lên tiếng hối thúc lãnh đạo các quốc gia khác theo gương Hoa Kỳ tiến hành chiến lược năng lượng sạch và giảm phát thải.

Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo Pháp sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho Quỹ Xanh. Quỹ này thành lập năm 2009 nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên nguồn quỹ này hiện vẫn gần như trống rỗng, chỉ có Đức cho đến nay đã góp phần đáng kể vào Quỹ Xanh.

Đại diện của Trung Quốc – một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất thế giới cùng với Ấn Độ và Mỹ, cũng bày tỏ mong muốn hợp tác. Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ tuyên bố: "Trung Quốc sẵn sàng làm việc với những nước khác để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhắc lại rằng các nước phát triển nên "tôn trọng nghĩa vụ của mình để hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển".

Các chính phủ cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính, chấm dứt nạn phá rừng.

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức tại trụ sở LHQ, Mỹ, Canada và Liên minh Châu Âu ký kết tuyên bố giảm phân nửa tình trạng mất rừng vào năm 2020, và đến năm 2030 loại bỏ hoàn toàn tình trạng phá rừng. Chi Lê đưa ra cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020. Na Uy cam kết chi 350 triệu đô la để bảo vệ rừng tại Peru và những nơi khác. Riêng Liberia, Na Uy chi 100 triệu đô la trong lĩnh vực bảo vệ rừng.

Nhật Bản cho hay sẽ phóng một vệ tinh nhằm giám sát và thẩm định mức phát thải, đồng thời nước này cũng đưa ra cam kết sẽ trở thành một quốc gia hình mẫu về xã hội carbon thấp.

Liên minh Châu Âu cho biết 27 quốc gia thành viên của khối này sẽ cắt giảm khí nhà kính để cho đến năm 2030 sẽ giảm so với mức hồi năm 1990 là 40%. Khối này kêu gọi sử dụng năng lượng sạch và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ra mắt Liên minh nông nghiệp thông minh toàn cầu

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Khí hậu, Liên minh toàn cầu nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (GACSA) đã được thành lập. Hơn 20 chính phủ và 30 tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia Liên minh này. Đây là những nước có hàng triệu nông dân, sản xuất 1/4 sản lượng ngũ cốc toàn cầu và phát thải 16% tổng lượng phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp.

Liên minh được thành lập nhằm mục tiêu tăng một cách bền vững và công bằng sức sản xuất và thu nhập nông nghiệp; xây dựng một cách vững chắc nhất các các hệ thống lương thực và sinh kế nông thôn; giảm thiểu khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp. Liên minh sẽ hoạt động trên nguyên tắc phối hợp với các chính phủ, người nông dân, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội dân sự và các tổ chức khu vực và quốc tế.

Hạn chế

Tổ chức Oxfam đánh giá rằng những sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị là hữu ích, tuy nhiên không có nhiều sáng kiến mang tính đột phá.

Nếu như Mỹ, Canada và Liên minh Châu Âu ký kết tuyên bố giảm phân nửa tình trạng mất rừng vào năm 2020, và đến năm 2030 loại bỏ hoàn toàn tình trạng phá rừng, thì Brazil, nơi có diện tích rừng bị phá hủy nhiều nhất lại không ký cam kết ngưng nạn phá rừng từ nay đến năm 2030.

Chính phủ Mỹ quyết định không ký vào thỏa thuận về đánh thuế carbon. Đến đầu năm 2015 nước Mỹ mới nêu ra mục tiêu phát thải mới.

Trung Quốc dù có ký thỏa thuận về đánh thuế carbon, nhưng người đại diện của Bắc Kinh tại hội nghị là phó thủ tướng Trương Cao Lệ lên tiếng than phiền cho rằng thế giới đối xử với những quốc gia đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, một cách khác hẳn với những quốc gia  phát triển - đó là việc cho phép các nước phát triển phát thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn các nước đang phát triển.

Hội nghị thượng đỉnh khép lại, đặt ra cho hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris năm 2015 những vấn đề cần tiếp tục thực hiện để ứng phó với Biến đổi khí hậu.

Nguyễn Hường (Tổng hợp)

Fanpage
Liên kết website