Việt Nam ưu tiên chống biến đổi khí hậu

Phó Thủớng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam, tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu theo sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, diễn ra ngày 23/9/2014, ở New York (Mỹ).

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng -  Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu bật quan ngại chung về các diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của  khí hậu. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững ở mọi quốc gia.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và đặc biệt là do tác động của nước biển dâng, Việt Nam luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc tham gia cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy đạt được các thỏa thuận đa phương ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp cụ thể. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đề ra các định hướng giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt đã đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% so với năm 2010, giảm lượng tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5%/năm.

Phó Thủ tướng -  Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng thông báo Việt Nam đang nghiên cứu có cam kết quốc gia tự nguyện (INDCs), trong đó xác định rõ các đóng góp cụ thể về giảm khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và các đối tác nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các nước thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015…

Phó thủ tướng -  Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi các nước cam kết mạnh mẽ và nỗ lực nhiều hơn trong đàm phán nhằm đạt được một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới có tính ràng buộc về biến đổi khí hậu trong năm 2015 để thế giới có thể đạt được mục tiêu về nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển và nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C.

Nguyễn Hường (Tổng hợp)

 

Fanpage
Liên kết website