Cập nhật, hoàn thiện Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016
Thực hiện Chỉ thị số 09 ngày 12/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tổ chức cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016 cho Việt Nam.
Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong quá trình thực hiện, nhiều cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước đã tham gia xây dựng Báo cáo cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. Báo cáo cập nhật Kịch bản đã được trình bày và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thông qua các Hội thảo Tham vấn ở Trung ương và địa phương, đồng thời được chỉnh sửa và hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định cấp Quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập.
Theo đó, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016 được cập nhật theo lộ trình đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng trong quá khứ và kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố lần đầu vào năm 2009 trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước. Mức độ chi tiết của các kịch bản giới hạn cho 7 vùng khí hậu và dải ven biển Việt Nam để kịp thời phục vụ các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2011, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được ban hành, xác định mục tiêu cho các giai đoạn và các dự án ưu tiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa trên các nguồn dữ liệu, các điều kiện khí hậu cụ thể của Việt Nam và các sản phẩm của các mô hình khí hậu.
Phương pháp xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu trên cơ sở số liệu thực đo về nhiệt độ, lượng mưa tại 150 trạm khí tượng, thủy văn, số liệu quan trắc về bão, các đợt nắng nóng, rét,... sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính để xác định xu thế và mức độ biến đổi của các biến khí hậu trong quá khứ.
Trong Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5), IPCC đã xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu dựa trên cách tiếp cận mới về kịch bản phát thải theo đường nồng độ khí nhà kính đại diện “Representative Concentration Pathways - RCP). Cách tiếp cận mới này cũng được xem xét trong xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam. Chi tiết hóa động lực là phương pháp chính được sử dụng để tính toán xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Năm mô hình khí hậu toàn cầu (GCM) và khu vực (RCM) được áp dụng trong tính toán là: Mô hình AGCM/MRI của Viện Nghiên cứu Khí tượng Nhật Bản, Mô hình PRECIS của Trung tâm Khí tượng Hadley - Vương quốc Anh, Mô hình CCAM của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang úc (CSIRO), Mô hình RegCM của Ý, và Mô hình clWRF của Mỹ. Mỗi mô hình có các phương án tính toán khác nhau dựa trên kết quả tính toán từ mô hình toàn cầu của IPCC (2013).
Phương pháp xây dựng kịch bản nước biển dâng được xây dựng theo các phương pháp của IPCC trong AR5, các nghiên cứu của Church (2013) và Slagen (2014), các kịch bản nước biển dâng của các quốc gia như Úc, Hà Lan, Singapore. Mực nước biển dâng tổng cộng tại khu vực được xác định là tổng của các thành phần đóng góp vào mực nước biển dâng, bao gồm Giãn nở nhiệt và động lực; Tan băng của các sông băng, núi băng trên lục địa; Cân bằng khối lượng bề mặt băng ở Greenland; Cân bằng khối lượng bề mặt băng ở Nam Cực; Động lực băng ở Greenland; Động lực băng ở Nam cực; Thay đổi lượng trữ nước trên lục địa và Điều chỉnh đẳng tĩnh băng. Phương pháp xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập cho các tỉnh vùng đồng bằng và vùng ven biển được xây dựng theo các mức ngập từ 50 cm đến 100 cm với bước cao đều là 10 cm. Riêng đối với các đảo, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bản đồ nguy cơ ngập chỉ được xây dựng với mức ngập 100 cm.
Căn cứ vào Nghị quyết số 24-NQTW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó về biến đổi khí hậu, từ tháng 5/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu xây dựng kế hoạch, triển khai các nghiên cứu về phương pháp luận để tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng chi tiết cho các giai đoạn đến năm 2100; xây dựng tập bản đồ nguy cơ ngập chi tiết theo các kịch bản nước biển dâng; tích hợp thông tin và dữ liệu kịch bản phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để đảm bảo có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các Hội thảo tham vấn các địa phương, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế về các nội dung Kịch bản. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam đã được chỉnh sửa và hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Các phương án kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng với các kịch bản phát thải khí nhà kính (RCP) theo cách tiếp cận mới của IPCC, gồm: Kịch bản cao - RCP8.5; kịch bản trung bình cao - RCP6.0; kịch bản trung bình - RCP4.5 và kịch bản thấp - RCP2.6. Các kịch bản được xây dựng chi tiết cho các địa phương và các khu vực ven biển Việt Nam theo từng thập kỷ của thế kỷ 21.
Các yếu tố của kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng gồm mức tăng nhiệt độ, sự thay đổi lượng mưa trung bình của các mùa và trung bình năm; các cực trị khí hậu (nhiệt độ tối cao trung bình, tối thấp trung bình, sự thay đổi của số ngày có nhiệt
độ nóng nhất và mức thay đổi của lượng mưa ngày lớn nhất); mực nước biển dâng cho các khu vực ven biển./.