Mỹ và Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Ngày 3/9, Mỹ đã cùng Trung Quốc chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm kiềm chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy thực thi thỏa thuận này vào cuối năm nay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi lễ trao văn kiện chứng thực phê chuẩn Hiệp định Paris cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 03-9-2016 (Ảnh: Reuters)
Ngay trước thềm Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến khai mạc ngày 4-9 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao các văn kiện chứng thực việc tham gia Hiệp định Paris của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
Phát biểu tại lễ trao văn kiện, Tổng thống Obama cho rằng Hiệp định Paris là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong việc bảo vệ hành tinh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi các bước cần thiết nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ mục tiêu và quyết tâm chung của cả hai quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
“Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh thông báo đã phê chuẩn thỏa thuận quốc tế về khí hậu chỉ vài giờ trước khi các phái đoàn dự thượng đỉnh G20 tề tựu về Hàng Châu. Tăng trưởng xanh sẽ là một trong những chủ đề chính của hội nghị sắp mở ra và Trung Quốc muốn chứng tỏ là đang tiên phong trong lĩnh vực này, vào mức mà hầu hết 19 đối tác còn lại trong nhóm G20 vẫn còn do dự” - Thông tin viên đài RFI từ Bắc Kinh, Heike Schmidt cho biết thêm.
Cả hai nhà lãnh đạo cũng cam kết hợp tác thực thi hai thỏa thuận toàn cầu khác về môi trường trong năm nay, bao gồm Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn và biện pháp dựa trên thị trường để giảm phát thải các-bon trong hoạt động hàng không.
Tại Paris hồi tháng 12 năm ngoái, gần 200 quốc gia đã nhất trí ký thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý trong việc kiểm soát khí nhà kính và giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C so với mức thời kì tiền công nghiệp.
Trước Mỹ và Trung Quốc, đã có 23 quốc gia khác cũng đã phê chuẩn Hiệp định Paris, song theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các nước này chỉ chiếm một phần rất nhỏ khoảng 1,08% lượng khí phát thải toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc hiện chiếm hơn 20% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, theo sau là Mỹ với 17,9%, Nga 7,5% và Ấn Độ 4,1%.
Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào năng lượng than, và chỉ riêng nước này phát ra đến 25 % lượng khí thải toàn cầu. Quyết định phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris của Bắc Kinh mang tầm mức hết sức quan trọng. Ngoài ra, Trung Quốc đã gây bất ngờ với việc phê chuẩn thỏa thuận chống hiệu ứng nhà kính. Thái độ của Bắc Kinh bắt buộc Washington phải noi theo.
Các chuyên gia đánh giá, việc Bắc Kinh và Washington chính thức tham gia Hiệp định Paris được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thêm nhiều quốc gia khác cùng phê chuẩn văn kiện này.
Tuy đã được ký kết bởi 180 các bên liên quan, sẽ cần phải có 55 nước, chiếm ít nhất 55% tổng lượng khí phát thải toàn cầu, phê chuẩn để Hiệp định này có hiệu lực.
Theo thỏa thuận ký kết tại Paris, các quốc gia đã phê chuẩn Hiệp định này sẽ phải chờ 3 năm sau khi văn kiện đi vào hiệu lực mới có thể bắt đầu quá trình rút khỏi Hiệp định./.