Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu nhân rộng sáng kiến xanh

Là quốc gia rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và cũng là nước có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xanh, Việt Nam cần phát huy triệt để tiềm năng tự nhiên và những sáng kiến để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu.

UNDP quan tâm đến sáng kiến xanh của Việt Nam

Ngày 1/9, tại Hà Nội đã diễn ra triển lãm về nhân rộng các sáng kiến xanh đã được chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức. Đại diện của 15 dự án được hỗ trợ bởi Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu GEF và UNDP cùng các tổ chức phi chính phủ đã tham dự, thảo luận, giới thiệu những sáng kiến của họ ở cấp cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường.

Việt Nam rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Chỉ số Rủi ro về khí hậu dài hạn (CRI) cho hay, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai. Trong đó cộng đồng người thiểu số, người ở vùng sâu vùng xa, người nghèo... là tầng lớp chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong hầu hết các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa đạt được MDG về bền vững môi trường. Bất chấp những nỗ lực đáng kể của Chính phủ trong việc thông qua các khuôn khổ pháp lý cần thiết, các chiến lược và chương trình, việc thực thi chính sách và các chuẩn mực xã hội vẫn chưa đủ để đảm bảo tính bền vững về môi trường. Ngoài ra, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh đã gây cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường làm ảnh hưởng tới sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Giám đốc khu vực của UNDP tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương, ông HaoLiang Xu – nhận định: “Các cộng đồng thường đi đầu trong tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, nhưng họ lại là những người ít có khả năng để đối phó với nó. Những nỗ lực quốc gia với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, những nỗ lực này cần được bổ sung bằng các sáng kiến địa phương, đó là điều rất cần thiết để đảm bảo rằng phát triển bền vững công bằng với tất cả mọi người”

Ông HaoLiang Xu cũng cho biết vai trò của chính quyền địa phương trong việc cụ thể hóa, cung cấp hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi nhân rộng và mở rộng các sáng kiến để cải tạo sinh kế của cộng đồng, đồng thời giúp họ thích nghi với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Tại chương trình ông HaoLiang Xu, đánh giá rất cao những sáng kiến của các dự án phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, ông cho rằng những sáng kiến của Việt Nam rất thiết thực và sát với nhu cầu thực tế của người dân.

Ông HaoLiang Xu cũng hy vọng Việt Nam tiếp tục phát huy những thế mạnh để có những sáng kiến trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó các tổ chức quốc tế quan tâm và đầu tư tài chính vào những sáng kiến đó.

Đại diện UNDP trao chứng nhận sáng kiến xanh các đại biểu

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế xanh

Trong khuôn khổ của chương trình, tại Hội thảo, ông Lê Đức Chung, chuyên gia về phát triển kinh tế xanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong nhiều năm trở lại đây vấn đề phát triển kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang được Chính phủ, các cấp, nghành và nhiều địa phương quan tâm. Để làm được điều đó, nhiều Bộ, ban, nghành đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều mô hình phát triển, trong đó có các mô hình phát triển điện năng lượng mặt trời, điện gió và phát triển nông nghiệp xanh, sạch.

Đồng quan điểm với ông Chung, ông Nguyễn Đức Cường, viện Năng lượng Bộ Công thương đã đưa ra các dẫn chứng về tiềm năng để phát triển kinh tế xanh, sạch tại Việt Nam. Ông cho biết, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển điện gió, điện mặt trời như các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Nam Bộ. Vì thế, trong thời gian vừa qua một loạt các công trình phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời đã và đang được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đầu tư.  Điển hình như: chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phát triển hệ thống điện Mặt Trời mái nhà nhằm tạo ra nguồn năng lượng sạch và ổn định sử dụng tại doanh nghiệp do Quỹ Thịnh vượng của Anh hỗ trợ tài chính; dự án xây dựng 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời với số vốn dự kiến 1.2 tỷ USD được các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc tài trợ.

Đại biểu tham quan những sản phẩm và các ứng dụng từ sáng kiến xanh

Đến với chương trình Hội thảo – triễn lãm sáng kiến xanh, đại diện cho 15 dự án được hỗ trợ bởi Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu GEF và UNDP đã có những trình bày về sáng kiến của mình. Trong đó 2 sáng kiến thu hút đặc biệt, sáng kiến thứ nhất là ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nước mắm giúp khắc phục được những mặt hạn chế của phương pháp sản xuất nước mắm truyền thống, giảm thiểu được các công đoạn bị tác động trực tiếp từ dụng cụ thô sơ để đuổi ruồi, muỗi, chuột...Như vậy sáng kiến vừa giúp tăng năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại ít tốn công hơn. Sáng kiến sử dụng đèn LED cho tàu cá tại Ninh Thuận đã mang lại lợi ích kinh tế cao tiết kiệm 40% dầu diesel từ đó tiết kiệm hàng trăm triệu USD từ việc sử dụng dầu diesel, giúp lượng khí CO2 giảm bớt hàng triệu tấn khí nhà kính vào môi trường.

Nhiều sáng kiến khác cũng rất có ích trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng như sáng kiến đèn Led cho tàu cá, hướng tới nền kinh tế biển xanh, mô hình lúa thích ứng ngập, phèn mặn vùng trồng lúa, mô hình xen canh tác lúa tôm, mô hình điện gió sông Hồng…/.

 

Kể từ năm 1999, chương trình UNDP/GEF SGP đã làm việc chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ trong nước và các tổ chức cộng đồng để cung cấp các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho 150 dự án nhỏ tại hơn 40 tỉnh thành ở Việt Nam.
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Fanpage
Liên kết website