Các điều khoản bảo vệ động vật hoang dã trong TPP
Đầu tháng 10/2015, Mỹ và 11 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tuyên bố đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trái với tuyên bố rằng Hiệp định bao gồm các điều khoản mạnh mẽ, mang tính thực thi về vấn đề môi trường, giúp ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã, phá rừng và đối phó với các vấn đề đại dương, nhiều tổ chức bảo tồn cho rằng Chương về môi trường trong Hiệp định chỉ mang tính chất tượng trưng, chưa đủ để tạo hiệu quả thực sự trong bảo vệ môi trường và các loài động vật hoang dã.
Theo Mạng lưới Giám sát động thực vật hoang dã (TRAFFIC), trong khi việc đánh giá thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là vô cùng khó khăn thì ước tính riêng giá trị nhập khẩu động vật hoang dã hợp pháp trên toàn cầu năm 2009 đã là khoảng 323 tỷ USD.
Hiệp định TPP có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động buôn bán động vật hoang dã, vì phần lớn nhu cầu động vật hoang dã hiện nay là từ các nước châu Á. Mặc dù quốc gia tiêu thụ ngà voi lớn nhất thế giới là Trung Quốc không nằm trong số các đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP có sự tham gia của Việt Nam và Malaysia, hai điểm nóng trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã.
Tuy nhiên, theo nhà khoa học môi trường Jacob Phelps, Đại học Lancaster (Anh Quốc), mặc dù có thể củng cố các quy định về buôn bán động vật hoang dã, TPP ngược lại cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ đe dọa động vật hoang dã.
Một số điểm chính mà TPP quy định các nước phải thực hiện để bảo vệ động vật hoang dã:
|
Những hạn chế trong quy định và thực thi
Là một tài liệu pháp lý, mỗi từ ngữ trong TPP đều vô cùng quan trọng. Đó là lý do vì sao nhiều nhóm bảo tồn cảm thấy thất vọng khi Hiệp định chỉ yêu cầu các quốc gia “có biện pháp chống lại” việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp mà không “cấm” hành vi này.
Yêu cầu “cấm” rõ ràng hơn về mặt pháp lý, có nghĩa việc thực thi các hành động chống lại một quốc gia cho phép tồn tại thị trường chợ đen sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, trong khi việc xác định một quốc gia đã dùng các biện pháp thích hợp để “chống lại” buôn bán động vật hoang dã hay chưa là rất khó khăn. Sự thất vọng từ phía các nhà bảo tồn còn tăng thêm khi mà Hiệp định TPP không bao quát đầy đủ 7 hiệp định môi trường đa phương – các điều ước quốc tế vốn đặt ra các tiêu chuẩn môi trường quan trọng.
TPP đã đưa Công ước CITES vào Hiệp định TPP nhằm giúp điều chỉnh thương mại quốc tế đối với các loài bị đe dọa và khiến CITES có sức mạnh hơn bằng cách liên kết việc thiếu tuân thủ công ước này với các nguy cơ trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, thiếu sót lại nằm ở chỗ thay vì sử dụng chính các hiệp định môi trường quốc tế về bảo vệ cá voi, sinh cảnh đất ngập nước, thủy sản và động vật biển thì TPP lại đưa ra các quy định riêng để giải quyết các vấn đề này. Chẳng hạn, thay vì yêu cầu các nước phải tuân thủ Công ước quốc tế Quy định về Săn bắt Cá voi, Hiệp định TPP yêu cầu các nước “phải thúc đẩy việc bảo tồn lâu dài các loài cá mập, rùa biển, chim biển và động vật biển có vú”. Trong khi đó, các cụm từ này rõ ràng là không đủ trọng lượng và quá mơ hồ cho việc thực thi.
Về mặt lý thuyết, một quốc gia cho phép hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép phát triển, vi phạm hiệp định TPP thì sẽ bị áp dụng các lệnh trừng phạt. Nhưng các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng như thế nào?
Lấy Peru làm ví dụ. Trong năm 2009, Mỹ và Peru đã ký một hiệp định thương mại mà trong đó quy định về môi trường được nêu rất chi tiết. Với ngôn ngữ rõ ràng và đanh thép, đặc biệt đối với nạn khai thác gỗ trái phép và buôn lậu gỗ, thỏa thuận này được các nhà bảo tồn coi như một hiệp định thương mại mẫu mực. Tuy nhiên, 6 năm sau khi hiệp định này có hiệu lực, Peru vẫn không kiểm soát được nạn khai thác gỗ trái phép. Và mặc dù Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với Peru để chống lại vấn nạn này, Peru vẫn chưa bị áp dụng bất cứ lệnh trừng phạt nào theo hiệp định đã kí.
Mặc dù vậy, không giống như các hiệp ước quốc tế song phương giữa Mỹ và một quốc gia khác trước đây, Mỹ sẽ không phải bên duy nhất giám sát việc thực thi Hiệp định TPP và điều này sẽ mang lại cơ hội cho các nước tận dụng các cơ chế thực thi.
Ảnh minh họa (Olivia Harria/ Reuters)
Giải quyết tranh chấp
Quy trình giải quyết tranh chấp trong Chương Môi trường được xem như một chiến thắng đối với các nhà bảo tồn, không giống như bản dự thảo bị chỉ trích nặng nề được công bố bởi WikiLeaks vào đầu năm 2014. Trong bản dự thảo trước đây, về cơ bản các nước chỉ được đề xuất mà không được đưa ra kế hoạch trừng phạt nếu không đạt được đồng thuận.
Trong khi đó, văn bản được phê duyệt quy định rõ nếu một quốc gia cho rằng một quốc gia khác không hoàn thành trách nhiệm của họ đối với môi trường, tranh chấp sẽ được giải quyết theo một quy trình chung và nước bị khiếu nại có nguy cơ chịu hình phạt kinh tế theo quy định của Hiệp định. Giả sử, khi có bằng chứng cho thấy cảnh sát Việt Nam thường xuyên lờ đi các cửa hàng có bán sừng tê giác thì Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác có thể nộp đơn khiếu nại. Một hội đồng nội bộ sẽ tiếp nhận tranh chấp và đưa ra quyết định. Nếu nguyên đơn giành chiến thắng, quốc gia vi phạm có thể bị trừng phạt thương mại như một hình phạt cao nhất.
Mặc dù Hiệp định TPP có những quy định mới cho phép loại bỏ sớm các vụ tố tụng không đáng xét xử, và ngay lời mở đầu đã xác định quyền của mỗi quốc gia trong việc áp dụng hoặc thi hành các biện pháp bảo vệ môi trường bên cạnh các lĩnh vực khác, song những quy định này thường được nhìn nhận là mang tính ngoại giao hơn là pháp lý, đặc biệt khi nhìn vào lịch sử các vụ kiện tụng về chính sách môi trường trong quá khứ. Về việc này, thượng nghị sĩ Mỹ Jeff Merkley Oregon từng cho rằng việc trao quyền thách thức pháp luật cho các tập đoàn thông qua các tòa án quốc tế thiếu minh bạch là đáng quan ngại: “Mặc dù có quy định bảo vệ động vật hoang dã, cải thiện chất lượng không khí, hoặc chống lại biến đổi khí hậu, các chính sách bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng có thể dễ dàng bị đe dọa trong bối cảnh TPP không hoặc tạo quá ít điều kiện thực thi”.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận cũng thừa nhận rằng dù không phải Hiệp định hoàn hảo trong vấn đề đấu tranh với nạn buôn bán động vật hoang dã, TPP vẫn là một công cụ quan trọng để thúc đẩy các công cụ khác trong nỗ lực chung. Thậm chí một số nhà phê bình còn xem các thỏa thuận đạt được là một bước tiến lớn và bày tỏ kỳ vọng các quốc gia sẽ tiến xa hơn nữa ở khâu thực thi để TPP có thể thực sự bảo vệ môi trường như chính Hiệp định này yêu cầu./