Ứng phó với biến đổi khí hậu – hành động của các nhà lập pháp

Tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ,

Từ ngày 11-13/5, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu – hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”.

Tham dự Hội nghị dự kiến có: Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Than, Chủ tịch Hạ Nghị viện Philippinesn Alvarez Pantelon, Chủ tịch Quốc hội Timor Leste Aderito Hugo Da Costa, Tổng Thư ký Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) Isra Sunthornvut và hơn 200 đại biểu đến từ Quốc hội của 24 nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cùng các đại diện của các tổ chức quốc tế…

Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và chủ trì hội nghị.

Thời tiết khô hạn làm nhiều diện tích nông nghiệp không thể sử dụng (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong 3 ngày làm việc, Hội nghị sẽ tập trung vào các nhóm nội dung như:  Thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững tập trung vào Mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; thảo luận về các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp và việc huy động các nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng.

Kết quả của Hội nghị sẽ được chuyển đến Đại hội đồng IPU, trong đó khuyến nghị các giải pháp và hành động của Quốc hội, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cũng tại Hội nghị này, Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp với IPU tổ chức Lễ công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện do IPU cùng UNDP xây dựng; Lễ chuyển giao chức Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF) giữa Quốc hội Fiji và Quốc hội Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng sẽ dành thời gian đi thực địa rừng ngập mặn tại huyện Cần Giờ, TP.HCM để có những trải nghiệm thực tế về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, cũng như chứng kiến sự tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương do nước biển dâng.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện nay, Quốc hội các nước đang phát huy vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Thông qua hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách và thực hiện chức năng đại diện, Quốc hội sẽ đề xuất và bảo đảm việc thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững của quốc gia và khu vực./.

Fanpage
Liên kết website