Việt Nam phấn đấu tăng độ che phủ rừng lên 45% năm 2030

Chiều 4/5, Bộ NN&PTNT đã công bố Chương trình quốc gia về REDD+ đến năm 2030 và đường tham chiếu rừng (FREL/FRL). Mục tiêu là đến năm 2030, Việt Nam tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%, giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính.

Tham dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Bà Kari Eken Wollebaek, Phó Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam và Bà Louise Chamberlain, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Nhận thức rõ vai trò ngày càng quan trọng của rừng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là gắn với giảm nghèo, trong hai thập niên qua, Việt Nam đã nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng, thực thi pháp luật, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, từng bước chuyển từ nhiều rừng sang rừng có chất lượng tốt hơn và đã đạt được những kết quả tích cực. Với mật độ che phủ rừng tăng từ 33,2% năm 2010 lên 41,19% năm 2016, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực có diện tích rừng ngày càng tăng.

Toàn cảnh hội thảo

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về REDD+ đến năm 2030 và đường tham chiếu rừng (FREL/FRL) nhằm góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ carbon; nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững đất nước.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, thông qua các hoạt động REDD+ sẽ nâng cao độ che phủ rừng toàn quốc lên 42% và diện tích các loại rừng đạt 14,4 triệu ha. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng thực hiện REDD+, bảo đảm có đủ năng lực để tiếp cận nguồn tài chính chi trả dựa vào kết quả phù hợp với các yêu cầu quốc tế.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng nhằm gia tăng tích lũy các-bon và dịch vụ môi trường rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng hiệu quả; quản lý, bảo vệ và bảo tồn bền vững rừng tự nhiên. Góp phần cải thiện quản trị rừng, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng

Đến 2030, tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mức đóng góp có thể tăng lên 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao về REDD+ và quản lý rừng bền vững, lồng ghép REDD+ vào chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trị, chương trình này được thực hiện trong phạm vi toàn quốc, ưu tiên vào các khu vực là điểm nóng về mất rừng, suy thoái rừng, vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu và có tiềm năng tăng trữ lượng carbon rừng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2030.

Bên cạnh đó, để bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng rừng và đất rừng bảo đảm mục tiêu đạt 16,24 triệu héc-ta đất sử dụng cho mục đích lâm nghiệp vào năm 2020; nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao về REDD+ và quản lý rừng bền vững, lồng ghép REDD+ vào chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; hoàn thiện chính sách, pháp luật, khung hành động của chương trình REDD+ và tiếp cận các nguồn tài chính chi trả dựa vào kết quả phù hợp với các yêu cầu quốc tế; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp bền vững và không gây mất rừng, suy thoái rừng; cải thiện quản trị rừng và cải thiện sinh kế cho người dân sống trong và gần rừng hoàn thiện các yếu tố sẵn sàng thực hiện REDD+ đáp ứng yêu cầu của quốc tế; hoàn thiện các yếu tố REDD+ cốt lõi theo lộ trình và tuân thủ các điều khoản của UNFCCC.../.

 

REDD+ là một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính: Hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, tăng cường trữ lượng các-bon rừng.
Fanpage
Liên kết website