Truyền thông về REDD+ tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

(NganHaMedia) - Với mục đích chuẩn bị cho việc sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam, dự án “Hỗ trợ sẵn sàng chuẩn bị thực hiện REDD+ ở Việt Nam” (FCPF – REDD+ Việt Nam) đã được triển khai. Quảng Bình là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH, cũng là một trong ba tỉnh có nhiều rừng nhất được lựa chọn tham gia thí điểm vào dự án.

Đầu tháng 7 năm 2015, chúng tôi đến với Quảng Bình đúng dịp cán bộ dự án FCPF – REDD+ Việt Nam tại tỉnh Quảng Bình thực hiện công tác tuyên truyền lưu động, đưa những kiến thức về REDD+ đến với người dân xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Đây là một trong rất nhiều buổi truyền thông, nói chuyện, phổ biến kiến thức về REDD+, bảo vệ và phát triển rừng cho người dân được cán bộ dự án tổ chức.

5h sáng, từ thành phố Đồng Hới, chúng tôi phải di chuyển hơn 60km để đến xã Lâm Thủy. Trao đổi với cán bộ dự án trên đường đi, tôi được biết Lâm Thủy là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của Quảng Bình, gần nửa số hộ trong xã thuộc diện hộ nghèo, sống phụ thuốc vào rừng, chính vì vậy việc truyền thông về REDD+, bảo vệ và phát triển rừng là rất quan trọng. Sau hơn 3 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến được với Thôn Xà Khía, xã Lâm Thủy.

Đón đoàn là những nụ cười tươi, ánh mắt vui mừng, những cái bắt tay, cái ôm của người dân. Mế Hồ Thị Bông chia sẻ "Được biết hôm nay có đoàn cán bộ dự án REDD+ đến nói chuyện, dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng ta gác lại hết, chỉ mong cán bộ đến sớm thôi”.

Con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất để đưa những kiến thức về REDD+ đến với bà con không gì thiết thực hơn các hoạt động cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Nắm được yếu tố này, mỗi khi đến với bà con, các cán bộ dự án tại Quảng Bình thường tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động kết hợp với tổ chức trò chơi sinh động gắn với kiến thức về bảo vệ rừng. Phát tờ rơi, tranh ảnh minh họa nhiều hình ảnh, thông tin dễ hiểu, gắn với cuộc sống thường ngày của người dân. Qua nét mặt vui tươi của người dân, tôi nhận ra sự phấn khởi, niềm tin mà cán bộ dự án đem đến cho họ.

Cán bộ dự án tổ chức truyền thông về REDD+, bảo vệ và phát triển rừng cho người dân Quảng Bình

Công tác truyền thông về REDD+ không chỉ dành cho những người đã trưởng thành mà các em nhỏ cũng được tiếp cận, giáo dục ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều cuộc thi vẽ tranh với chủ đề bảo vệ rừng đã được tổ chức ở nhiều trường học, thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh.

Qua trao đổi với người dân tham gia vào các buổi tập huấn tôi được biết đây không phải là lần đầu tiên họ đi nghe nói chuyện về REDD+, qua các buổi nói chuyện này họ hiểu hơn về bảo vệ rừng, về lợi ích mà rừng đem lại cho họ. Từ khi được tiếp xúc với REDD+, hiểu hơn về bảo vệ, phát triển rừng người dân trong các thôn bản không còn tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng nữa.

Trên thực tế REDD+ chưa đem lại cho người dân bất cứ lợi ích nào về vật chất, nhưng họ tin tưởng trong tương lai khi REDD+ được thực hiện tốt, đời sống của họ sẽ được cải thiện hơn.

Chia tay bà con xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hình ảnh về người dân hiền hậu, chất phác, còn in mãi trong lòng tôi. Những ánh mắt mong mỏi, hi vọng của người dân sẽ luôn trong tâm những người cán bộ dự án. Đó là động lực để họ cố gắng hơn, nỗ lực hơn nữa cho sự thành công của REDD+ trong tương lai.

Fanpage
Liên kết website