Công ty TNHH Truyền thông Ngân Hà tham gia khóa tập huấn về Biến đổi khí hậu và REDD+
(NganHaMedia) - Từ ngày 2 - 4/7/2015, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam” phối hợp với Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tổ chức khóa đào tạo “Nâng cao năng lực quản lý, vận hành, nhận thức của nhà báo và giới truyền thông về biến đổi khí hậu và REDD+” tại Hòa Bình. Khóa đào tạo có sự tham gia của 30 học viên đến từ các cơ quan báo chí và truyền thôngvà đại diện công ty TNHH Truyền thông Ngân Hà.
Toàn cảnh khóa học
Khóa đào tạo được tổ chức với mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền thông về biến đổi khí hậu và REDD+. Tham gia khóa đào tạo học viên được các chuyên gia cung cấp thêm nhiều thông tin về tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới và ở Việt Nam, đặc biệt là sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ thống khí hậu thông qua quản lý và phát triển rừng bền vững (gọi tắt là REDD+).
Trước đây khi chưa tham gia khóa học, đọc qua một số tài liệu, tôi hiểu rằng việc thực hiện REDD+ để giảm phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính rẻ hơn rất nhiều so với các ngành khác. Tuy nhiên, sự rẻ hơn đó thể hiện cụ thể như thế nào thì tôi chưa nắm rõ. Tham gia lớp học này, tôi đã có câu trả lời cho mình. “Mất rừng và suy thoái rừng làm tăng phát thải khoảng 20% tổng lượng khí nhà kính hàng năm trên toàn cầu. Tỷ lệ này lớn hơn lượng phát thải của toàn bộ ngành giao thông trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chi phí cho REDD+ lại chỉ bằng 1/20-1/10 (0,4-1,4 USD/tấn CO2 tương đương) so với chi phí cho việc giảm phát thải trong ngành giao thông (15-20 USD/tấn CO2 tương đương)” – GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung chia sẻ.
Bên cạnh các nội dung được lắng nghe trên lớp học, chúng tôi còn được trải nghiệm một buổi thực địa tại hiện trường. Nơi mà chúng tôi đến thực địa là khu rừng Lim, xóm Mát Trên, xã Dân Chủ, thành phố Hòa Bình. Tại đây, chúng tôi được GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung trực tiếp giảng dạy, chỉ cho chúng tôi biết như thế nào là bể chứa cac bon, cách đo đạc trữ lượng cac bon trong rừng và các yếu tố kỹ thuật khác.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cùng các học viên trao đổi về các bể chứa cac bon khu rừng Lim, xóm Mát Trên, xã Dân Chủ
Chị Phùng Thị Nguyệt Anh - Phó giám đốc công ty TNHH Truyền thông Ngân Hà - thành viên lớp học chia sẻ "Khóa đào tạo có ý nghĩa rất lớn đối với một nhà báo hoạt động trong lĩnh vực về BĐKH như tôi. Đây là dịp chúng tôi có thể trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về REDD+ và BĐKH với các đồng nghiệp cùng lĩnh vực. Tôi hi vọng khóa đào tạo sẽ được triển khai ở nhiều nơi hơn, mở rộng cơ hội tham gia cho các phóng viên, nhà báo chưa có mặt trong khóa đào tạo lần này".
Với quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy đây là một khóa đào tạo thực sự thú vị và hữu ích đối với những người làm truyền thông. Khóa đào tạo đã cung cấp cho tôi thêm nhiều kiến thức mới. Tôi nhận ra rằng việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững, ứng phó với BĐKH không chỉ là việc của các nhà quản lý, những cộng đồng có rừng mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Hãy chung tay bảo vệ, phát triển rừng bền vững – Bảo vệ lá phổi xanh của trái đất./.