Tăng cường khả năng chống chịu của đô thị Việt Nam

Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội thảo “Hướng tới phát triển bền vững: Tăng cường quy hoạch và khả năng chống chịu đô thị Việt Nam” do Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội ngày 10/1.

Hội thảo nhằm chia sẻ những bài học kinh nghiệm ban đầu về công tác chuẩn bị các dự án nâng cấp phát triển đô thị, đặc biệt là đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đồng thời giới thiệu dự án viện trợ không hoàn lại GFDRR cho các hoạt động nhằm tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu của các TP tham gia dự án Mở rộng nâng các đô thị Việt Nam (SUUP), thông qua thiết kế cơ sở hạ tầng chống chịu và tăng cường năng lực chính quyền địa phương để thực hiện quy hoạch đô thị tích hợp, cảnh báo rủi ro.

Toàn cảnh hội thảo 

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Nguyễn Tường Văn nhận định: Việc đô thị hóa nhanh, phát triển đô thị quá nóng dẫn đến những vấn đề toàn cầu như bùng nổ dân số đô thị; thiếu hụt hạ tầng cơ sở, năng lượng, tăng phát thải, ô nhiễm…

Với nhận thức BĐKH là thách thức mới cho công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Trần Thị Lan Anh đã phân tích các tác động của BĐKH tại khu vực đô thị. Theo đó, BĐKH tác động đến hệ thống giao thông đô thị, đến đất đai, dân cư, định cư, GDP quốc gia và GDP địa phương. Riêng đối với hạ tầng kỹ thuật đô thị, BĐKH tác động đến nguồn nước sạch, đến hệ thống thoát nước. Bởi BĐKH và NBD làm thay đổi chế độ thủy triều, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thủy lợi đê điều. NBD làm giảm khả năng thoát nước của đô thị. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu các công cụ pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, thiếu hệ thống dữ liệu GIS, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị ứng phó với BĐKH.

Bà Lan Anh cho biết: Ngành Xây dựng ưu tiên lồng ghép việc thích ứng với BĐKH vào trong quy hoạch đô thị, với 3 hành động trọng tâm gồm: Xây dựng công cụ đánh giá; xây dựng công cụ kiểm soát; xây dựng công cụ hỗ trợ thực hiện. Ngành đồng thời triển khai thực hiện đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 – 2020.

Đề cập đến các nguy cơ lớn mà các TP trong khu vực ĐBSCL phải đối mặt, ông Adri Verwey (tư vấn WB) chỉ ra đó là lụt lội do hệ thống sông ngòi xung quanh; hệ thống thoát nước tại chỗ, nhất là ở khu vực người nghèo đô thị không hiệu quả; độ mặn cao trong mùa khô; sụt lún đất làm trầm trọng thêm các vấn đề thoát nước, làm tăng nhanh tác động của BĐKH, đặc biệt là NBD; suy thoái hệ sinh thái…

Bàn về sức chống chịu cho đô thị vùng ĐBSCL, ông Adri Verwey cho rằng cần phải có các biện pháp tiếp cận tích cực đối với lũ lụt đô thị. ĐBSCL phải tạo ra các giải pháp thoát nước có khả năng thích ứng với sự thay đổi trong tương lai như mở rộng đô thị và gia tăng dân số đô thị, cũng như những tác động trong dự đoán của BĐKH.

ĐBSCL cần tạo ra những hệ thống lưu giữ nước mưa lớn, quy mô lớn như hồ ao hoặc quy mô nhỏ là những giải pháp xanh. Thiết kế công suất thoát nước kênh rạch phải tính đến những thay đổi trong tương lai. ĐBSCL phải tìm những giải pháp đa năng như khu lưu giữ kết hợp với công viên, khu vui chơi, phải có biện pháp tiếp cận tích cực trong việc lập kế hoạch – dành khoảng không cho TP cho những nhu cầu trong tương lai.

Cũng theo ông Adri Verwey, trong quy hoạch tổng thể, Việt Nam phải lồng ghép nhiều chức năng của TP, bao gồm nhu cầu về giao thông, thoát nước mưa và nước thải. Trong quy hoạch đô thị, các đô thị không chỉ làm thế nào để tránh được tổn thất do lũ lụt gây lên mà còn phải làm thế nào để tối đa hóa những thành quả mà lợi ích kinh tế mang lại.

Chia sẻ thành công của Singapore trong phát triển đô thị, Chủ tịch Trung tâm những TP đáng sống Liu Thai Ker cho biết: Có 2 giá trị cơ bản của đô thị hóa là con người và đất đai. Do vậy, chính phủ, các nhà lãnh đạo chính trị phải thiết kế hệ thống lớn, tương tác 2 trụ cột trong xã hội nói trên, tạo dựng môi trường tốt cho con người và môi trường vật chất.

Trong thiết kế đô thị phải coi trọng giữ gìn và bảo tồn di sản đô thị, tôn trọng tự nhiên và hình ảnh phi vật chất. Trong quy hoạch đô thị, phải xây dựng đô thị trung tâm lõi cũng như các đô thị vệ tinh. Các đô thị này phải được kết nối với nhau bằng các phương tiện giao thông vận chuyển nhanh như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao…/.

Theo Báo Xây dựng
Fanpage
Liên kết website