Tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH

Ngày 6/1 tại TP.HCM, trong khuôn khổ các hoạt động xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba cho Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH), Cục Khí tượng Thủy văn và BĐKH đã phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM tổ chức Hội thảo Tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH.

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phan Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM cho biết: Hội thảo được tổ chức là để góp phần vào công tác tăng cường năng lực thực hiện Công ước khí hậu tại Việt Nam. Hội thảo cũng là dịp để các thầy cô và các em sinh viên được giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về Hội nghị lần thứ 22 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH, Kịch bản mới về BĐKH và nước biển dâng ở Việt Nam...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo 

Để cùng thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu của ngành trong việc ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững, trong những năm gần đây, Trường Đại học TN&MT TP.HCM đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ như: tăng cường bồi dưỡng nhân lực, đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học về BĐKH, xây dựng chương trình đào tạo ở bậc thạc sĩ và đại học ngành BĐKH.

Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2016, Trường Đại học TN&MT TP.HCM đã được Bộ TN&MT và Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh khóa đầu tiên hệ đại học ngành BĐKH. Đây chính là công tác chuẩn bị hướng đến việc cung cấp nguồn nhân lực đúng trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu nguồn lực cho Bộ TN&MT công tác trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH trong tương lai” - PGS.TS. Phan Đình Tuấn cho biết thêm.

Hội thảo đã nghe các chuyên gia, các nhà quản lý đầu ngành thuyết trình về Thỏa thuận Paris về BĐKH và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris; Kết quả chính của Hội nghị lần thứ 22 và Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP 22) ở Marrakech, Morocco; Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, hướng dẫn khai thác sử dụng Kịch bản BĐKH và nước biển dâng; Các hoạt động tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về BĐKH trong khuôn khổ Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH; Nghiên cứu giảm phát thải CO2 đối với ngành nông nghiệp và xây dựng tại TP.HCM.

Trong đó, Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam được Bộ TN&MT công bố lần đầu vào năm 2009 trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước để kịp thời phục vụ các Bộ, ngành và các địa phương trong đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực và khu vực, đồng thời là cơ sở để phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015. Mức độ chi tiết của các kịch bản mới chỉ giới hạn cho 7 vùng khí hậu và dải ven biển Việt Nam.

Năm 2011, Chiến lược quốc gia về BĐKH được ban hành, xác định các mục tiêu ưu tiên cho từng giai đoạn, theo đó Bộ TN&MT  đã cập nhật kịch bản BĐKH và nước biển dâng dựa trên các nguồn dữ liệu, các điều kiện khí hậu cụ thể của Việt Nam và các sản phẩm của các mô hình khí hậu. Kịch bản lần này được xây dựng chi tiết đến cấp tỉnh, kịch bản nước biển dâng được xây dựng chi tiết cho các khu vực ven biển Việt Nam theo từng thập kỷ của thế kỷ 21.

Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016 được cập nhật theo lộ trình đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về BĐKH, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về diễn biến, xu thế biến biến đổi của khí hậu và nước biển dâng trong thời gian qua và kịch bản BĐKH và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.

Kịch bản BĐKH và nước biển dâng được xây dựng trên cơ sở Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5) của Ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC); số liệu quan trắc khí tượng thủy văn và mực nước biển cập nhật đến năm 2014, bản đồ số địa hình quốc gia cập nhật đến năm 2016; xu thế biến đổi gần đây của khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam; các mô hình khí hậu toàn cầu và mô hình khí hậu khu vực độ phân giải cao cho khu vực Việt Nam, các mô hình khí quyển - đại cương…/.

Fanpage
Liên kết website