Mở điện thoại, xem mưa toàn cầu

Đó là kỳ vọng của nhóm phát triển ứng dụng iRAIN trên điện thoại di động do GS. Nguyễn Đình Phú (hiện giảng dạy tại Đại học UC Irvine và nghiên cứu ở Trung tâm Khí tượng thủy văn và viễn thám CHRS, Hoa Kỳ) thực hiện. Irain là một công trình nghiên cứu hiện gây tiếng vang trong cộng đồng khoa học thế giới và nhận được tài trợ từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA)…

Theo GS. Nguyễn Đình Phú, hiện nay điện thoại thông minh rất phổ biến, kể cả những nước đang phát triển như ở Việt Nam. Bởi thế, chỉ cần có điện thoại di động kết nối internet là người dân có thể khai thác các tính năng của iRAIN để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

GS. Nguyễn Đình Phú tại buổi giới thiệu iRAIN ở Hội nghị Công ước khí hậu (COP 22 – Ma-rốc)

iRain là một ứng dụng di động (có thể dùng, tải trên hai hệ điều hành iOS lẫn Android) giúp người dùng có thể chia sẻ lượng mưa tại vị trí của họ, từ đó thu thập dữ liệu kết hợp dữ liệu từ vệ tinh để tạo nên một bản đồ mưa với các mốc thời gian cụ thể theo thời gian thực trên phạm vi toàn cầu.

Còn Tổ chức kỹ sư công trình thuộc quân đội Mỹ đánh giá rằng, iRAIN là một ứng dụng mang tính cách mạng lần đầu tiên được cung cấp trên mạng di động. Nó cho phép người dùng để hình dung thời gian thực quan sát mưa vệ tinh toàn cầu, theo dõi các sự kiện mưa cực đoan trên toàn thế giới và báo cáo thông tin lượng mưa ở từng địa phương.

 Hình ảnh mưa ở Việt Nam giữa tháng 12/2016

Hiện nhóm phát triển ứng dụng iRAIN vẫn đang hoàn thiện sản phẩm. “Sử dụng vệ tinh để quan trắc thời tiết vẫn có một số sai sót nhất định, chúng tôi đang nỗ lực tìm thuật toán mới để sản phẩm tốt hơn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng muốn iRain sẽ dễ hiểu hơn với người dùng phổ thông và hoạt động tốt hơn dù trong điều kiện Internet tốc độ chậm... điều phổ biến ở những vùng sâu, vùng xa” - GS Nguyễn Đình Phú nói./.

Fanpage
Liên kết website