Hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống canh tác gây được sự chú ý ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trong 2 thập kỷ qua, nhất là các nước phát triển, khi mà áp lực về lương thực giảm đi, song áp lực về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường lại tăng lên.
Việt Nam đã nhận thấy tính ưu việt của sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với sức khỏe con người, môi trường sinh thái, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững nên thời gian qua cũng đã có nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư và quyết tâm sản xuất ra các sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ. Hiện nay cả nước có trên 43.000 ha đất sản xuất nông nghiệp được công nhận sản xuất hữu cơ. Một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như rau sạch, chè hữu cơ, thịt sạch, tôm sạch… tuy nhiên, có thể nói nông nghiệp hữu cơ vẫn còn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, không đáng kể trong tổng sản lượng nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu
Thực phẩm hữu cơ khác với thực phẩm sạch ở chỗ thực phẩm sạch sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu trong mức cho phép theo đúng quy trình, liều lượng; sản phẩm ra thị trường có dư lượng hóa chất dưới mức cho phép, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Còn thực phẩm hữu cơ bao gồm rau củ quả, trái cây, ngũ cốc, thịt, sữa, trứng, mật ong… thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Chúng được nuôi trồng, sản xuất trong hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp hay quốc lộ, ở vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại, chất độc tự nhiên thấp; nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông…Nếu căn cứ vào những tiêu chí nói trên thì có thể nói ở Bình Thuận chưa có những sản phẩm hàng hóa hữu cơ đúng nghĩa. Có chăng thì cũng chỉ là những hộ gia đình trồng trọt rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ theo kiểu “tự cung tự cấp” để sử dụng trong gia đình và người thân.
Mới đây, tại cuộc hội thảo “Sản xuất hữu cơ tại Việt Nam và xu hướng phát triển” do Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với một số tổ chức quốc tế tổ chức, một số đại biểu cho rằng mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng thực tế hiện nay việc sản xuất canh tác của người sản xuất còn dựa quá nhiều vào các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, thức ăn công nghiệp và hóa chất. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người và thị trường.
Do vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống. Với Việt Nam, để chuyển nền sản xuất tự cấp tự túc sang một nền sản xuất hàng hóa, định hướng xuất khẩu thì vấn đề an toàn thực phẩm cũng như nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế sẽ ngày càng cấp thiết. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh trong một lần đăng đàn trước Quốc hội mới đây cũng đã có đề nghị Nhà nước cần tạo môi trường và chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững vì chất lượng cuộc sống nhân dân.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ là vấn đề kỹ thuật vì trước đây ta đã từng trải qua, mà vấn đề là cơ chế, chính sách cụ thể. Dựa vào chính sách chung, tỉnh cần hoàn chỉnh các quy định về đất đai, nông nghiệp, thủy sản theo hướng chú trọng ưu tiên khu vực chuyên sản xuất nông nghiệp hữu cơ; có chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thiện hệ thống, tiêu chuẩn quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm. Kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và tiếp cận thị trường cho các vùng sản xuất rau quả, thịt, thủy sản hữu cơ, nhất là các sản lợi thế của tỉnh như thanh long, mủ trôm, nước mắm, các loại rau quả…/.