Làng Nông Thuận Thiên - Làng thông minh thích ứng với BĐKH
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra và tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Nông dân đã và đang cảm nhận rõ ràng và đối mặt với những biến động bất thường của thời tiết và tìm cách thích ứng với nó. Một cộng đồng nông thôn cùng áp dụng nhiều biện pháp để thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH, đảm bảo sinh kế được gọi là một cộng đồng ứng phó thông minh với BĐKH hay gọi ngắn gọn là “Làng Nông Thuận Thiên”.
Trong khuôn khổ chương trình biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS-SEA), ngày 28/3, Liên đoàn truyền thanh nông thôn Philipines và các phóng viên Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp đã có chuyến thăm quan thực tế tới thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái với mục đích chia sẻ kinh nghiệm về thực hành nông nghiệp thích ứng thông minh với BĐKH (CSA).
Các phóng viên, cán bộ truyền thông cùng chụp ảnh với bà con nông dân tại thôn Mạ
Các biện pháp nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và rủi ro thiên tai ở các vùng sinh thái nông nghiệp đang được thử nghiệm, lựa chọn và nhân rộng ở mô hình Làng Nông Thuận Thiên, một mô hình mẫu trong thực hiện các giải pháp ngay tại địa phương nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng thích ứng của người dân với BĐKH, xây dựng khả năng phục hồi đối với ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, đồng thời cải thiện thu nhập cho nông dân.
Làng Nông Thuận Thiên thôn Mạ là mô hình làng nông nghiệp thích ứng với BĐKH (CSV). Làng Mạ là mô hình thử nghiệm các giải pháp CSA mà có thể triển khai ở những nơi khác. Đây là một trong sáu mô hình làng/ấp của chương trình CCAFS ở Đông Nam Á.
Tại đây, các phóng viên và cán bộ truyền thông đã đến thăm quan và trao đổi với bà con nông dân kinh nghiệm thực hiện các mô hình: ủ phân nuôi giun quế, canh tác lúa ICM và mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt.
Mô hình nuôi giun quế của gia đình cô Hà Thị Thanh không những tiết kiệm thời gian mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc tận dụng phân gia súc
Thăm quan mô hình tổng hợp của anh Nguyễn Văn Minh: Dùng phân bò bón cho cây ăn quả và trồng cỏ voi để nuôi bò
Ruộng lúa canh tác giống ICM với lá lúa xanh mướt, cây lúa cao và phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh
Mô hình đệm lót sinh học cho gia cầm của ông Nguyễn Văn Tám
Ông Nguyễn Văn Tám – trưởng thôn Mạ chia sẻ: “Trước đây tôi nuôi gà bị chết rất nhiều, nhưng từ khi có chương trình CCAFS hướng dẫn cho phương thức chăn nuôi, tôi được hỗ trợ xây dựng lại chuồng theo mô hình đệm lót sinh học. Từ đó đến nay, đàn gà của tôi rất khỏe mạnh, gia đình bán được gà liên tục, thu nhập cũng được cải thiện rất nhiều. Không chỉ có gia đình tôi mà nhiều gia đình nuôi gà ở đây cũng học hỏi theo mô hình mới và thu lại được kết quả rất tốt”.
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của chương trình CCAFS, những hộ dân ở đây đã mạnh dạn thực hiện các mô hình sinh kế thông minh, góp phần cải thiện thu nhập, có được vốn kiến thức cần thiết về BĐKH, trở thành những nông dân hăng hái và tích cực trong hành trình thích ứng với BĐKH.
Học hỏi lẫn nhau thông qua chuyến thực địa sẽ giúp việc chia sẻ thông tin về CSA một cách có hiệu quả, đặc biệt giữa các mô hình làng nông nghiệp thích ứng với BĐKH khu vực Đông Nam Á. Chuyến đi hi vọng sẽ giúp các phát thanh viên của Philippines và cán bộ truyền thông Việt Nam truyền tải tốt hơn hiểu biết về CSA và CSV tới khán, thính giả của mình, góp phần nhân rộng các mô hình này đến với nhiều bà con nông dân tại khu vực Đông Nam Á./.
Chương trình CCAFS khu vực Đông Nam Á đã hỗ trợ nhiều dự án và sáng kiến về Nông nghiệp thích ứng thông minh với BĐKH ở Việt Nam. Trong năm 2016, chương trình CCAFS đã tổ chức đánh giá nhanh ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình này cũng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng kế hoạch triển khai dự kiến đóng hóp của Việt Nam vào nỗ lực giảm thieur BĐKH trong ngành nông nghiệp. Với sự giúp đỡ của CCAFS Đông Nam Á, các giải pháp CSA đã được lồng ghép trong chương trình tái cấu trúc ngành lúa gạo của Việt Nam mà Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đang thực hiện. |
---|