Hội thảo Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn – RECP
Ngày 8/8/2014, Viện Công nghệ Á Châu tại Việt Nam (AIT Việt Nam) đã phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức hội thảo “Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn - RECP” tại Hà Nội.
Đây là hội thảo số 4 trong chuỗi 7 hội thảo của AIT Việt Nam - giai đoạn 1 của Chương trình GMM “Xanh hóa sản xuất và Quản lý Doanh nghiệp”. Giai đoạn 2 là thực hiện đào tạo chuyên sâu cho 20 doanh nghiệp được lựa chọn và giai đoạn 3 là tư vấn triển khai một số dự án cải tiến xanh tại 3 – 4 doanh nghiệp. Tất cả nhằm bước đầu xây dựng một mạng lưới các doanh nghiệp có năng lực thực hiện đổi mới xanh ở Việt Nam.
Tham dự hội thảo có đại diện của hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau quan tâm đến việc sử dụng tài nguyên và các nguồn lực trong sản xuất.
Toàn cảnh hội thảo
Ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đã nêu bật vai trò của doanh nghiệp trong lộ trình phát triển bền vững. Ngày nay, đứng trước những thách thức lớn như đói nghèo, bùng nổ dân số, môi trường bị hủy hoại, lượng khí thải cac bon liên tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, phát triển bền vững ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết. Xu thế mới của thế kỷ 21 là doanh nghiệp được nhìn nhận từ nhiều chiều, thông qua việc hạch toán tất cả các nguồn vốn doanh nghiệp đang sử dụng, như vốn tài chính, vốn xã hội, vốn con người, vốn tài nguyên thiên nhiên. Chỉ có tích hợp các hạch toán trên, thì giá trị thực của doanh nghiệp mới bộc lộ hết được. Đó chính là việc doanh nghiệp trong tương lai không xa, phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững và xây dựng tầm nhìn, nhằm hướng tới thế giới bền vững vào năm 2050.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trình bày tại hội thảo
Bà Nguyễn Thị Bích Hòa – Giám đốc Các chương trình đào tạo của AIT Việt Nam đã có bài thuyết trình về chủ đề “Đổi mới xanh doanh nghiệp – từ sản xuất đến quản lý”. Những lý do vì sao doanh nghiệp cần phải tiến hành “đổi mới xanh”, những giá trị mà “đổi mới xanh” mang lại cho doanh nghiệp, làm thế nào để đổi mới xanh và lộ trình của “đổi mới xanh”.
Bà Nguyễn Thị Bích Hòa – Giám đốc Các chương trình đào tạo của AIT Việt Nam trình bày tại hội thảo
Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra khái niệm về Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn. Đây là sự áp dụng liên tục một chiến lược phòng ngừa tổng hợp về Môi trường vào các quá trình sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ để tăng hiệu suất, giảm rủi ro cho con người và môi trường. Hiệu quả tài nguyên được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Thực hiện hiệu quả tài nguyên, các doanh nghiệp giảm thiểu tác động đến tự nhiên, đóng góp vào việc bảo tồn môi trường, đồng thời giảm các mối nguy hại đến con người và cộng đồng, từ đó góp phần phát triển con người. PGS – TS Nguyễn Văn Nhân đã đưa tới các doanh nghiệp một thông điệp quan trọng: cần coi phát triển kinh tế không phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên là một mục tiêu chiến lược. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải giảm lượng tài nguyên sử dụng trên mỗi đơn vị sản phẩm, giảm mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch, nhận thức về vòng đời sản phẩm và thực hiện sản xuất sạch hơn. PGS – TS Nguyễn Văn Nhân cũng đưa ra những lợi ích khi doanh nghiệp thực hiện RECP: đó là những lợi ích cho bản thân doanh nghiệp, lợi ích cho xã hội và cho cả hành tinh. Thực hiện RECP là doanh nghiệp đã chuyển trọng tâm của quản lý môi trường từ quản lý chất thải sang phòng ngừa, từ chi phí để tuân thủ quy định môi trường sang lợi nhuận trong kinh doanh, từ việc làm của các công ty lớn sang hành động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ chú tâm tới một quy trình vận hành sang chuỗi các quy trình vận hành, từ phương pháp tiếp cận đơn lẻ sang tiếp cận tổng hợp. Tăng cường hiệu quả tài nguyên đã trở thành nhu cầu kinh tế thiết yếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại và phát triển trong vài thập niên tới.
PGS - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Bích Hòa đã đưa ra 6 chỉ số cơ bản doanh nghiệp cần chú ý để đo lường mức độ thực hiện Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn. Đó là 3 chỉ số đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh gồm: tổng số năng lượng dùng trong một năm, tổng số nguyên liệu dùng trong một năm, tổng số mét khối nước dùng trong một năm và 3 chỉ số đầu ra trong sản xuất gồm: tổng số tấn khí thải, rác thải và tổng số mét khối nước thải thải ra trong một năm, quy chiếu với tổng số sản lượng thành phẩm doanh nghiệp sản xuất ra trong một năm. Ngoài ra còn có các chỉ số tương đối như hiệu suất năng lượng (lượng sản phẩm trên một đơn vị năng lượng), hiệu suất nguyên liệu (lượng sản phẩm trên một đơn vị nguyên liệu), hiệu suất sử dụng nước (lượng sản phẩm trên một đơn vị nước sử dụng), cường độ khí thải (lượng phát thải trên một đơn vị sản phẩm), cường độ rác thải (lượng rác thải trên một đơn vị sản phẩm) và cường độ nước thải (lượng nước thải trên một đơn vị sản phẩm). Việc lập hồ sơ theo dõi các chỉ số trước và sau khi thực hiện các cải tiến RECP có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp. Đây chính những chỉ số quan trọng khi thực hiện phát triển bền vững trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cùng lúc thực hiện được cả ba trụ cột là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Với những thông tin thiết thực, hữu ích, hội thảo đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho các doanh nghiệp tham dự, giúp các doanh nghiệp có nhận thức tốt hơn, cụ thể hơn về hiệu quả năng lượng và sản xuất sạch hơn, thấy được lợi ích của RECP và lộ trình để thực hiện điều này. Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao tác dụng của hội thảo và mong muốn có nhiều hội thảo tương tự, chuyên sâu hơn dành cho các nhóm doanh nghiệp đặc thù như doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, v.v...
Nguyệt Anh