Hà Nội chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) là chiến lược quan trọng để phát triển bền vững. Vấn đề này quan trọng không chỉ riêng với Thủ đô mà còn có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, những năm qua, Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp.

Thời tiết ngày càng cực đoan

BĐKH là do sự ấm lên của Trái đất làm khí hậu ngày càng nóng hơn, khô hơn và mưa, bão, lũ phức tạp hơn. Từ năm 2015 đến nay, BĐKH gây nên trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh; hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long làm 10 tỉnh phải công bố thiên tai hạn hán với 160.000ha lúa bị thiệt hại, 20 triệu người dân bị ảnh hưởng… Tính đến nay, 4 cơn bão năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh, thành phố phía Bắc, miền Trung với hàng chục người thương vong, mất tích, thiệt hại tài sản khoảng 10.000 tỷ đồng.

Đối với Hà Nội, BĐKH gây ra trận giá lạnh kỷ lục 40 năm mới có tuyết rơi ở đỉnh núi Ba Vì, nhiệt độ xuống tới 5,4 độ C ở Hà Đông… 8 tháng đầu năm 2016, tổng lượng mưa trên địa bàn thành phố đạt mức 1.540mm, lớn hơn cả năm 2015 và trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. BĐKH khiến Hà Nội phải hứng chịu thiệt hại nặng nề ngay từ cơn bão số 1 năm 2016 (trước đây thường từ cơn bão số 3 mới bị ảnh hưởng)…

Loại bỏ rác thải điện tử đúng cách góp phần chống biến đổi khí hậu

Không chỉ gây ra thiên tai, BĐKH còn là nguyên nhân làm suy giảm nguồn nước ngầm, phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông, gia tăng phát thải khí nhà kính, giảm tuổi thọ các công trình xây dựng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng… Rõ ràng, BĐKH không còn là cảnh báo mà đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội...

Nhiều giải pháp ứng phó

Để chủ động, sẵn sàng ứng phó và thích nghi với BĐKH, TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, xây mới hệ thống đê điều, thủy lợi, chống úng ngập, thoát nước đô thị, nhà máy xử lý chất thải, trồng cây xanh… Bên cạnh đó, Hà Nội đặc biệt quan tâm giải pháp phi công trình: Nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó, thích nghi BĐKH… Thực hiện giải pháp này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND thành phố ban hành Quyết định số 1745/QĐ-UBND ngày 26-4-2012, Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26-9-2013, Quyết định số 5814/QĐ-UBND ngày 30-10-2015… triển khai các kế hoạch, hành động ứng phó BĐKH. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã biên soạn và phát hành 4.000 cuốn "Sổ tay về BĐKH", tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và cán bộ xã, phường, thị trấn về BĐKH; tăng cường tuyên truyền về BĐKH trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang triển khai nhiệm vụ “Thống kê, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP Hà Nội” nhằm mục tiêu thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng; xây dựng các phương pháp luận tính toán lượng phát thải khí nhà kính và hệ số phát thải; từng bước giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế của thành phố theo hướng cacbon thấp... Từ kết quả này, Sở sẽ xây dựng kịch bản dự báo về lượng phát thải, đề xuất giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải trên địa bàn thành phố.

Trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội sẽ tăng cường triển khai các hoạt động khoa học - công nghệ thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu về đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực, các vùng cụ thể cũng như những nghiên cứu về khả năng ứng phó BĐKH của các ngành, lĩnh vực và địa phương; đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với hoàn cảnh trong nước và quốc tế. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường phát triển chương trình “Tiết kiệm năng lượng”, sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng BĐKH…/.

Theo Hà Nội Mới
Fanpage
Liên kết website