COP 22: Thúc đẩy kết nối và chia sẻ nguồn lực ứng phó với BĐKH
Chuẩn bị cho COP 22 sẽ diễn ra từ 7/11-18/11 tại Marrakech (Maroc), vấn đề phương thức để kết nối những giải pháp thích ứng, giảm thiểu và làm thế nào để những giải pháp này có thể tương trợ lẫn nhau được thảo luận tại Hội nghị “Thích ứng và Giảm thiểu tác động của Biến đổi Khí hậu – Thúc đẩy Kết nối và Chia sẻ Nguồn lực”.
Ông Amine Aboussaid - Đại Sứ quán Vương quốc Ma rốc tại Việt nam
Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (COP 22) được tổ chức từ 7/11-18/11 tại Marrakech nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam và các nhóm dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp ứng phó BĐKH một cách hiệu quả và toàn diện.
Bà Vũ Minh Hải, Trưởng nhóm CCWG và Quản Lý Chương trình về Nâng cao năng lực ứng phó của Oxfam tại Việt Nam cho biết, thông qua hội nghị này, nhóm CCWG sẽ tạo cơ hội để các cơ quan Chính phủ, các nhà tài trợ chính, các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan đơn vị và cá nhân có cùng mối quan tâm gặp nhau và thảo luận các biện pháp giúp Việt Nam thực hiện được cam kết của mình tại COP21 trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, đây sẽ là cơ hội để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các sáng kiến dựa vào cộng đồng, cũng như việc hợp tác với những nhóm dễ bị tổn thương nhất để ứng phó với các tác động của BĐKH.
Đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự hội nghị “Thích ứng và Giảm thiểu tác động của Biến đổi Khí hậu – Thúc đẩy Kết nối và Chia sẻ Nguồn lực”
Đại diện cho quốc gia đăng cai COP22 năm 2016, ông Amine Aboussaid - Đại Sứ quán Vương quốc Ma rốc tại Việt nam đã trình bày về kế hoạch của chính phủ Maroc chuẩn bị cho COP22, cũng như các hành động của quốc gia để thực thi các cam kết về biến đổi khí hậu của mình, điển hình như đến năm 2030 giảm 32% phát thải khí nhà kính bằng cách đáp ứng 52% nhu cầu năng lượng của quốc gia bằng các nguồn năng lượng sạch đến năm 2030.
Theo ông Amine Aboussaid, COP22 sẽ chú trọng vào các hành động cụ thể sẽ được triển khai trong các năm tới, đặc biệt các hành động liên quan đến thích ứng, tính minh bạch, chuyển giao công nghệ, giảm thiểu và nâng cao năng lực. Đây sẽ là một cơ hội để cộng đồng quốc tế thiết lập các cơ chế để mở rộng phạm vi các sáng kiến giảm thiểu và thích ứng khí hậu, tăng cường khả năng tiếp cận với các nguồn lực kỹ thuật và tài chính và thực hiện các hành động cần thiết để đảm bảo sự thành công của các kế hoạch hành động khí hậu của các quốc gia./.