Động vật lớn suy giảm ảnh hưởng tới khả năng trữ các-bon của rừng

Sau khi phân tích dữ liệu từ 31 khu vực thuộc rừng Đại Tây Dương dọc bờ biển Đông Nam Brazil,  các nhà khoa học đã kết luận rằng săn bắt quá mức các loài động vật cỡ lớn sẽ gây suy giảm trên diện rộng các loài thực vật dự trữ phần lớn các-bon trong rừng.

Theo báo cáo, nhiều hạt giống thực vật lớn được phát tán nhờ các loài động vật ăn trái, đồng thời kích thước hạt giống và khả năng dự trữ các-bon của cây cũng có mối quan hệ mật thiết.

Thợ săn thường săn bắt những loài chim và thú lớn với tốc độ vượt quá khả năng tự tái sinh của chúng. Những loài này thường ăn, mang theo và phát tán trái cây và hạt giống của những loài thực vật lớn. Những loài cây kết hạt phát tán nhờ động vật cỡ lớn nhất thường cao lớn và có tỷ trọng gỗ cao. Do đó, động vật cỡ lớn biến mất cũng đồng nghĩa với việc những loài cây có khả năng dự trữ các-bon cao nhất có thể gặp khó khăn trong quá trình phát tán hạt và nhân giống. Về lâu dài, những loài thực vật nhỏ hơn, mọc thưa hơn sẽ thế chỗ, và do đó tổng lượng các-bon dự trữ của rừng bị suy giảm.

Loài khỉ rú, một loài động vật ăn trái, là đối tượng thường bị săn bắt. (Ảnh: Rhett A. Butler)

Theo nhóm nghiên cứu, đường kính hạt giống, tỷ trọng gỗ và chiều cao tối đa của cây có liên quan tới nhau. Mối tương quan này càng rõ rệt hơn đối với những loài phát tán hạt nhờ động vật.

Sau khi phân tích 5.000 tương tác giữa trái cây và động vật ăn trái, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng 12 mm là đường kính hạt giống tối đa thường được phát tán nhờ những động vật không bị đe dọa như các loài chim nhỏ hay loài gặm nhấm. Ở khu vực rừng Đại Tây Dương, 21% thực vật kết hạt có kích thước lớn hơn 12 mm và có tới 70% trong số đó là những loài có mật độ gỗ cao (Hơn 0.7 gram/ cm3). Thêm vào đó, sau khi tiến hành mô hình hóa giả định những loài động vật ăn trái biến mất hoàn toàn, nhóm nghiên cứu phát hiện những loài thực vật có hạt lớn, tập trung dày đặc hơn sẽ suy giảm từ 10% đến 100%.

Mặc dù nghiên cứu chỉ tập trung vào các khu rừng Đại Tây Dương tại Brazil, các tác giả cảnh báo rằng xu hướng này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào có thực vật ưu thế là loài phát tán nhờ động vật ăn trái lớn và loài động vật đó là mục tiêu của nạn săn trộm, chẳng hạn như rừng rậm Amazon, nơi hầu hết những loài thực vật dự trữ tới 50% lượng các-bon được nhân giống nhờ động vật ăn trái cỡ lớn. Chỉ trong trường hợp loài thực vật dự trữ carbon chủ chốt có phương thức phát tán khác như gió, thì lượng các-bon dự trữ mới có thể bị ảnh hưởng ít hơn.

Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học kêu gọi những nỗ lực bảo tồn hướng tới bảo vệ hệ sinh thái như một thể thống nhất chứ không chỉ tập trung vào những con số khô khan như diện tích đất rừng hay số lượng cây xanh: “Những chương trình phục hồi rừng hay REDD+ cần một cái nhìn toàn diện về những tương tác và quá trình sinh học để bảo toàn trữ lượng và những ích lợi từ dự trữ các-bon.”/

Theo Mongabay
Fanpage
Liên kết website