Kết nối giảm nhẹ và thích ứng BĐKH

Theo các tổ chức phi Chính phủ, nếu 2 phương diện giảm nhẹ khí nhà kính và khả năng chống chịu những tác động tiêu cực của BĐKH kết nối, tương trợ lẫn nhau sẽ tạo ra những giải pháp đa lợi ích với hiệu quả cao hơn, phục vụ mục tiêu chung là ứng phó với BĐKH.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã ghi nhận các nỗ lực thích ứng có vai trò quan trọng ngang với các nỗ lực giảm thiểu, đều là trụ cột chính và có những nội dung bắt buộc các quốc gia tham gia Thỏa thuận phải triển khai. Theo đánh giá của Nhóm Công tác về biến đổi khí hậu (CCWG), thuộc Trung tâm Dữ liệu các Tổ chức phi Chính phủ, các quốc gia, trong đó, có Việt Nam đang triển khai độc lập giải pháp thích ứng với giải pháp giảm thiểu. Sự phối kết hợp giữa 2 trụ cột hết sức cần thiết để góp phần nâng cao khả năng ứng phó của những nhóm dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị quốc tế Thích ứng và giảm thiểu BĐKH – Thúc đẩy kết nối và chia sẻ nguồn lực, TS Rosa Perez, thành viên cao cấp của Đài quan sát Manila đã đưa ra tam giác chi phí của các hành động “chỉ thích ứng”, “chỉ giảm nhẹ” và “không hành động gì”. Theo đó, chi phí đầu tư cần nằm ở khoảng giữa giảm nhẹ và thích ứng, vì nếu tập trung cho 1 bên, về sau vẫn phải tăng thêm chi phí cho bên kia để bù đắp thiệt hại. Còn nếu không có hành động gì, lẽ dĩ nhiên là chi phí cho cả 2 bên đều tăng lên, tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và mất thế chủ động ứng phó, giảm thiệt hại. Tùy tình hình mà mỗi quốc gia cần phân bổ đầu tư hợp lý. Những nước phải giảm lượng phát thải lớn có thể tạo sự cân bằng bằng cách hỗ trợ cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH.

Hiện, Việt Nam cũng có nhiều giải pháp lồng ghép cả 2 yếu tố giảm nhẹ và thích ứng, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Theo bà Chu Thanh Hương, đại diện Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, các dự án về quản lý rừng như REDD, REDD+ sẽ mang lại những yếu tố đồng lợi ích về thích ứng.

Ví dụ, dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển ở Quảng Ngãi, qua đánh giá hiệu quả giai đoạn 2010 - 2015, các chỉ số về Tăng cường khả năng thích ứng; thực hiện hoạt động thích ứng và Phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH lần lượt tăng gấp 2, gấp 7, gấp 3 lần so với trước. Hiệu quả đầu tư gia tăng hơn nhiều so với nhiệm vụ giảm phát thải. "Nhiều dự án mà các tổ chức phi Chính phủ thực hiện ở Việt Nam  đã chứng minh tính đa lợi ích của việc liên kết: vừa giảm phát thải, tạo sinh kế bền vững, vừa nâng cao nhận thức, giảm rủi ro thiên tai… Đặc biệt, dự án triển khai thuận lợi nhờ cơ chế hỗ trợ khá linh động từ khối tài chính tư nhân" - bà Vũ Minh Hải, Chủ tịch CCWG tại Việt Nam nhận định.

Đầu tư cho kết nối giữa thích ứng và giảm nhẹ BÐKH là cần thiết. Thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách nên tính đến các giải pháp khả thi nhằm tăng cường sự kết nối giữa giải pháp thích ứng và giải pháp giảm thiểu liên quan đến việc triển khai Thỏa thuận Paris/Đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định (INDC) tại Việt Nam, đồng thời, tăng cường khả năng thích ứng của khu vực thành thị, phát triển nông thôn, nông nghiệp, lâm nghiệp, lĩnh vực năng lượng và tài chính khí hậu./.

Khánh Ly/baotainguyenmoitruong
Fanpage
Liên kết website