Cơ chế tín chỉ chung JCM: công cụ đẩy mạnh tăng trưởng các-bon thấp

(NganHaMedia) - Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) là cơ chế Nhật Bản đề xuất đối với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp để hướng tới tăng trưởng xanh ở nước sở tại và hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản.

JCM là một cơ chế tín dụng liên kết giữa Nhật Bản và các nước khác, trong đó Việt Nam tham gia vào tháng 7 năm 2013 thông qua bản ghi nhớ hợp tác về “Tăng trưởng carbon thấp và xây dựng cơ chế tín chỉ chung JCM”.

Mục đích của Cơ chế JCM là:

- Phổ biến công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ, cơ sở hạ tầng carbon thấp của Nhật Bản, góp phần phát triển bền vững tại các nước đang phát triển;

- Đóng góp giảm phát thải khí nhà kính định lượng thông qua hành động giảm thiểu ở các nước đang phát triển và đạt được các mục tiêu giảm phát thải của các nước phát triển (Nhật Bản).

- Đóng góp vào mục tiêu của UNFCCC về giảm phát thải toàn cầu.

Cơ chế JCM thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp để hướng tới tăng trưởng xanh(Ảnh: JCM Việt Nam)

Theo cơ chế này khi doanh nghiệp Nhật Bản tư vấn, chuyển giao các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cho các doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ được hưởng tín dụng ưu đãi từ phía Nhật Bản, mức tín dụng tối đa lên đến 50% tổng chi phí dự án, đồng thời lượng CO2 cắt giảm sẽ được tính cho phía Nhật Bản.

Triển khai Cơ chế JCM, Chính phủ Nhật Bản cho đây là công cụ thúc đẩy công nghệ và phát triển phát thải thấp tiên tiến thông qua các dự án JCM; Bắt buộc thực hiện đo đạc, báo cáo thẩm tra và áp dụng phương pháp luận phê duyệt cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Cơ chế JCM cũng tạo ra các tín chỉ các bon phi thương mại để có thể đóng góp cho các nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ khí nhà kính của cả Nhật Bản và Việt Nam.

Thực hiện Cơ chế JCM, doanh nghiệp được lắp đặt công nghệ carbon thấp với chi phí rẻ hơn; tiếp thu và phổ biến các kiến thức chuyên môn; tài sản trên cơ sở thực hiện dự án hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và quản lý của nước ta.

Các dự án liên quan đến năng lượng như xử lý rác thải, sản xuất thép, sản xuất xi măng, sản xuất gạch bê tông khí, các ngành công nghiệp nặng…đều có thể tham gia cơ chế tín chỉ chung JCM (Ảnh: Internet)

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn-Biến đổi khí hậu: “Nếu tham gia cơ chế tín chỉ JCM, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được Bộ Môi trường Nhật Bản hoặc Bộ Kinh tế Thương mại và Công thương Nhật Bản hỗ trợ về công nghệ và tài chính. Tôi nghĩ đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”.

Chi phí đầu tư của Chính phủ Nhật Bản cho các dự án JCM ước tính tương đương mức giá khoảng 100 USD/tấn CO­2 giảm phát thải thông qua dự án. Vì vậy, các cơ quan liên quan đang nỗ lực đẩy mạnh việc thực hiện JCM tại Việt Nam nhằm tranh thủ sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Nhật Bản, nhất là trong thời điểm ngày càng nhiều quốc gia đăng ký tham gia cơ chế này./.

Hồng Phạm (Tổng hợp)
Fanpage
Liên kết website