Bắc Kạn công bố kế hoạch hành động REDD+ giai đoạn 2016-2020
Ngày 6/9/2016, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cac-bon rừng” (REDD+) tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020.
Dự Hội nghị đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Văn phòng REDD+ Việt Nam; đại diện Liên hợp quốc là Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Về phía tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình REDD+ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và một số xã thí điểm thực hiện REDD+.
Toàn cảnh hội nghị
Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thiết lập thể chế quản lý, bảo vệ rừng, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, với tổng số vốn 455.473 triệu đồng, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2020, nâng độ che phủ rừng lên 72%; bảo vệ ổn định, bền vững và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu 285.274ha rừng tự nhiên và khoảng 58.900ha rừng trồng có trữ lượng; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng; phấn đấu đến cuối năm 2020 trồng mới được 4.389ha rừng trên diện tích đất trống tại 36 xã ưu tiên thực hiện REDD+ (gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất).
Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng cao, diện tích rừng và đất rừng chiếm trên 80% diện tích tự nhiên của tỉnh, cuộc sống đồng bào các dân tộc sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Rừng Bắc Kạn không chỉ cung cấp gỗ, củi mà còn là nơi đầu nguồn của nhiều con sông nên việc bảo vệ và phát triển rừng tại Bắc Kạn rất được quan tâm, chú trọng.
Tuy nhiên rừng chủ yếu là rừng nghèo có trữ lượng gỗ rất thấp, người dân tại các xã vùng cao sống phụ thuộc nhiều vào rừng nhưng thu nhập từ các hoạt động lâm nghiệp còn chưa tương xứng nên chưa thu hút được sự tham gia của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng. Việc chi trả cho quản lý, bảo vệ rừng chưa đủ đáp ứng cho diện tích rừng cần quản lý, bảo vệ. Việc khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm rừng, đất rừng còn diễn ra, phá hoại tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái…
Tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao chương trình REDD+ đã hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế rừng, đồng thời đề xuất tỉnh cần thực hiện đồng bộ giao đất, giao rừng; tăng cường quản lý tránh tình trạng người dân chuyển nhượng đất; thực hiện theo bản đồ mới với yêu cầu các hộ dân ký xác nhận đường ranh giới đất…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa yêu cầu các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về rừng, hiểu rõ tác dụng, giá trị của rừng, đặc biệt là với đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào gần rừng. Các đơn vị cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trồng rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng đang có và tiếp tục khoanh nuôi, trồng mới, bảo vệ rừng; tăng cường thu hút vốn, tạo sinh kế cho dân, giảm thiểu tối đa áp lực từ cộng đồng tới rừng. Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã lồng ghép kế hoạch hành động REDD+ vào các quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp tích cực tham gia tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan trong kế hoạch hành động (REDD+) của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020./.