Đề xuất giải pháp quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Mạng lưới Nghiên cứu biến đổi toàn cầu (APN) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường Phát triển (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam tổ chức thảo luận bàn tròn khoa học – chính sách “Thách thức và cơ hội trong liên kết giữa thiệt hại và mất mát (L&D) với Thích ứng Biến đổi khí hậu (CCA) tại Việt Nam”.
Thảo luận thu hút sự tham gia của các đại biểu là những nhà khoa học, chính sách, doanh nghiệp, truyền thông và các tổ chức phi Chính phủ.
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh – Giám đốc CERED phát biểu tại buổi thảo luận
Tham gia buổi thảo luận, GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh – Giám đốc CERED cho biết: L&D có thể sử dụng để nói tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) mà không thể tránh khỏi thông qua hoạt động thích ứng và giảm nhẹ. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế mạng lưới để diễn giải về L&D cả quy mô quốc tế và quốc gia và thiếu các tư liệu liên quan tới vấn đề này, các nỗ lực để đưa ra các công cụ hiệu quả quản lý thiên tai cũng như đánh giá L&D ở các quốc gia và khu vực vẫn gặp phải các thử thách rất lớn. Bởi vậy, việc đưa ra một phương pháp tiếp cận toàn diện cho các mạng lưới hệ thống hiện tại sẽ giúp hiểu một cách sâu sắc hơn về khái niệm khi liên hệ L&D với rủi ro thiên tai (RRTT) và BĐKH.
Về mối liên hệ giữa CCA, DRR (giảm thiểu RRTT), L&D trong quản lý RRTT, TS. Vũ Kiên Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Việt Nam có hệ thống thu thập thông tin, đánh giá thiệt hại và mất mát tương đối bài bản từ cấp Trung ương đến địa phương nhằm phục vụ công tác quản lý RRTT. Tuy nhiên, các hoạt động về DRR, CCA được thực hiện trong các khuôn khổ, chương trình, kế hoạch riêng biệt; chưa có nhiều hoạt động mang tính liên kết, phối hợp và hiện tại, mối liên kết giữa DRR, CCA và L&D dường như vẫn chưa được nhìn thấy trong quá trình quản lý RRTT.
Để tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH, TS. Vũ Kiên Trung đề xuất cần tiếp cận theo hướng liên kết giữa CCA, RR và L&D trong hệ thống quản lý RRTT. Cụ thể, kết hợp các hoạt động DRR, CCA để tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác L&D như viễn thám, ảnh vệ tinh; kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực trong L&D; tăng cường nghiên cứu khoa học.
Từ góc độ nhà tái bảo hiểm, ông Nguyễn Mạnh Linh – Phó Tổng Giám đốc Công ty tái bảo hiểm Việt Nam VINARE cho rằng để quản lý RRTT, có những giải pháp sau: Phòng chống, giảm thiểu thiên tai như cải thiện, phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng nhằm trực tiếp bảo vệ giá trị tài sản và giảm thiệt hại kinh tế; kế hoạch ứng phó thiên tai như lập kế hoạch đảm bảo tính liên tục trong sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp trước mọi tình huống; chia sẻ và chuyển giao RRTT như bảo hiểm truyền thống và các giải pháp chuyển giao rủi ro khác.
Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, bảo hiểm là một giải pháp quản lý rủi ro quan trọng để khắc phục hậu quả kinh tế do thiên tai gây ra đối với các doanh nghiệp cũng như các thành phố và Chính phủ.
Quang cảnh hội thảo
“Giải pháp bảo hiểm cho RRTT đã có trên thị trường từ lâu nhưng chủ yếu được cung cấp như là một giá trị gia tăng kèm theo trong bảo hiểm truyền thống. Hiện nay đã bắt đầu có những giải pháp sáng tạo mới cho RRTT như giải pháp bảo hiểm tham số với nhiều ưu điểm (cấu trúc đơn giản, chi trả bồi thường nhanh, giá cả linh hoạt,…). Chính phủ có thế giải quyết hiệu quả các rào cản hiện có về quy định và luật pháp, tương tự như đã làm đối với các chương trình thí điểm bảo hiểm Nông nghiệp, bảo hiểm Tàu cá và bảo hiểm Công trình thủy lợi” – ông Nguyễn Mạnh Linh cho biết thêm.
Để quản lý RRTT, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc đến từ Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đề xuất xây dựng mô phương quản lý RRTT và thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng; đào tạo giúp cộng đồng xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng và lồng ghép quản lý RRTT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Trịnh Thị Kim Ngọc cho rằng cần áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng mới và tốt hơn trong xây dựng đường giao thông nông thôn và hạ tầng thủy lợi 2 hạng mục thiết yếu đối với vùng nông thôn nhằm đảm bảo sự an toàn và sinh kế của người dân. Ngoài ra, tăng cường sinh kế cho các hộ nghèo thông qua Hệ thống thông tin quản lý rủi ro nông nghiệp (ARMIS), giúp nông dân nâng cao năng suất và tăng sức chịu đựng trước các loại thiên tai như hạn hán, lũ lụt, xói mòn đất và nắng nóng.
“Triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro công trình cho đê điều, hồ chứa và cầu thoát hiểm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai” - PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc đề xuất thêm./.