Biến đổi khí hậu gây tổn thương nông nghiệp

Năm 2016, chúng ta phải đối phó nhiều loại hình cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn và cực đoan hơn so với kịch bản đã công bố năm 2012.

Ngay từ những ngày tháng đầu của năm 2016, trận rét đậm rét hại lịch sử nhiều chục năm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của 14 tỉnh miền núi phía Bắc.

Cơ quan khí tượng nhận định, đây là đợt rét đậm rét hại mạnh nhất 40 năm qua với hàng loạt kỷ lục được ghi nhận. Ngày 24/1, trạm khí tượng Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận nhiệt độ -4oC; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cũng -4oC. Tại Hà Nội, lần đầu tiên đỉnh núi Ba Vì tuyết rơi kéo dài, ở trạm Hà Đông chỉ 5,4oC.

Nhiều vùng cao ở Thanh Hóa, Nghệ An được cho là hiếm gặp thì nay tuyết bao phủ trắng xóa như huyện Bá Thước, Mường Lát; Tương Dương, Quế Phong. Đợt rét đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, thống kê thiệt hại 52.000 trâu bò chết, 150.000ha lúa đã cấy bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng.

Bản đồ biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL

Biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của El Nino khiến năm 2016 xâm nhập mặn chưa từng có ở khu vực ĐBSCL và hạn hán kỷ lục tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Theo tổng kết của Tổng cục Thủy lợi, tại những khu vực này, lượng mưa đã giảm 20 – 30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trữ trong hệ thống thủy lợi và các vùng thấp trũng đều bị thiếu hụt do năm trước lũ không về.

Dòng chảy Mê Kông về Việt Nam giảm 50%, khiến mực nước xuống thấp nhất trong 90 năm qua. Nước biển lấn sâu vào đất liền, có nơi tới 70 – 90km, sâu hơn trung bình nhiều năm 15 – 20km.

Tình trạng xâm nhập mặn ĐBSCL được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng trong 100 năm qua. Nó xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ, với phạm vi vào sâu đất liền 90km – chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc. Đã có 11/13 tỉnh thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và thiệt hại nặng nề nhất của thực trạng này vẫn là ngành nông nghiệp.

Theo thống kê, diện tích bị ảnh hưởng là 2.056.192ha (chiếm 52,7% so với diện tích tự nhiên của vùng), cao hơn khoảng 23% (tương đương 883.000ha) so với năm 2015. Tổng diện tích lúa thiệt hại các vụ cuối năm 2015 và năm 2016 là 405.000ha, hoa màu 8.100ha, cây ăn quả 28.500ha, 82.000ha diện tích nuôi tôm… Lúc cao nhất có 390.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Tổng cộng thiệt hại qui tiền do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL là 7.900 tỷ đồng.

Hiện tượng El Nino dài nhất trong lịch sử cũng khiến Nam Trung bộ và Tây Nguyên phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm qua. So với trung bình nhiều năm, lượng mưa thiếu hụt khoảng 30 – 50%, có nơi 80%. Tổng cộng có 2.900ha đất canh tác lúa phải dừng sản xuất, 157.000ha cây trồng bị hạn hán, số hộ thiếu nước sinh hoạt lúc cao nhất là 115.000 hộ.

Biến đổi khí hậu khiến lũ lụt tiếp tục hoành hành ở miền Trung kèm theo những diễn biến lạ thường hơn. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải thốt lên rằng “lần đầu tiên chúng tôi phải dùng từ đặc biệt lớn với đợt lũ này và nó đang lặp lại lịch sử của năm 2013”. Theo nhiều chuyên gia, lượng mưa năm 2016 ở miền Trung phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm 20 – 40%, cá biệt có nơi cao hơn 40 – 90% như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Đợt mưa lũ trong tháng 10 và 11/2016 cũng gây ra những hậu quả nặng nề cho đồng bào các tỉnh miền Trung, thống kê thiệt hại ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Những ngày cuối năm, 8 tỉnh khu vực Nam Trung bộ tiếp tục chìm trong lũ nhiều ngày, thiệt hại chưa có con số thống kê chính xác nhưng chắc chắn là hết sức nặng nề.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2016 đến nay, thiên tai khiến 235 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 37.600 tỷ đồng./.

Nói về tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành, trong các cuộc hội thảo với nhiều chuyên gia quốc tế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định:
Năm 2016 là một năm điển hình chúng ta phải đối phó với các dạng hình cực đoan, dị hình của thời tiết – một mức điển hình của tác động biến đổi khí hậu đối với Việt Nam từ trước đến nay. Những vấn đề này đang đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam.Cũng trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã phải kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ, huy động nguồn lực để thực hiện Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Tổng nguồn lực huy động cho ứng phó khẩn cấp đến nay đáp ứng 54,4% của nhu cầu hỗ trợ 48,5 triệu USD như trong kế hoạch đưa ra hồi tháng 4/2016.Và trong kế hoạch phục hồi từ nay cho đến năm 2020, theo tính toán của 18 tỉnh bị ảnh hưởng và tổng hợp của Bộ NN-PTNT, cần tới hơn một tỷ USD (khoảng 23 nghìn tỷ đồng) để ứng phó BĐKH hiệu quả.
Fanpage
Liên kết website