Hội thảo “Triển khai hiệu quả các chính sách biến đổi khí hậu”

Sáng 30/10/2018 tại Hà Nội, Hội thảo “Triển khai hiệu quả các chính sách biến đổi khí hậu” do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT), Cơ quan quản lý khí nhà kính Thái Lan và Cơ quan Hợp tác Phát triển Nhật Bản đồng tổ chức.

Bà Natarika Nitiphon và ông Trương Đức Trí đồng chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Thái Lan, Nhật Bản cùng các cơ quan đầu mối về biến đổi khí hậu ở Trung ương và đại diện các thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Hội thảo tập trung giới thiệu về kinh nghiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK và quản lý thị trường tín chỉ các-bon tại Nhật Bản và Thái Lan cũng như trao đổi, thảo luận về khả năng vận dụng trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Natarika Nitiphon, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý khí nhà kính Thái Lan đánh giá cao sự chủ động và nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến BĐKH và cho rằng Thái Lan cũng có những bước đi tương đồng với Việt Nam về lộ trình giảm nhẹ phát thải KNK. Cụ thể là cam kết tự nguyện giảm từ 7% (khoảng 24 triệu tấn CO2 tương đương) đến 20% lượng phát thải KNK vào năm 2030 so với kịch bản phát thải thông thường và có thể giảm tới 25% khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Thái rất chú trọng đến việc giám sát, báo cáo và đánh giá (MRV) nhằm minh bạch hóa các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK. Bà Natarika Nitiphon đánh giá cao sự phối hợp của Cục BĐKH-Bộ TNMT và các cơ quan phía Việt Nam và mong rằng Hội thảo hôm nay là cơ hội tốt để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như các bài học trong quá trình triển khai các chính sách liên quan về BĐKH ở mỗi quốc gia.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ TNMT nhấn mạnh, Việt Nam đã chính thức ký tham gia Thỏa thuận Paris với cam kết tự nguyện giảm 8% lượng phát thải KNK vào năm 2030 so với kịch bản phát thải thông thường và có thể giảm tới 25% khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Các nỗ lực nhằm giảm nhẹ phát thải KNK của Việt Nam cũng đã được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về BĐKH, Nghị quyết số 24 của BCH TW về chủ động ứng phó với BĐKH và gần đây nhất là việc xây dựng dự thảo quy định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải KNK và kế hoạch thích ứng quốc gia. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đề xuất một số chính sách liên quan đến quản lý thị trường tín chỉ các-bon cũng đang được triển khai thực hiện. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm cao của Việt Nam trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu - mái nhà chung của nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đang phát triển và chịu nhiều tác động bất lợi từ BĐKH.

Bên cạnh đó, ông Trương Đức Trí đánh giá cao sự chung tay, góp sức cũng như sự hợp tác, hỗ trợ về công nghệ, tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực từ các đối tác phát triển. Các bài học kinh nghiệm từ Nhật bản, Thái Lan là vô cùng quý báu, giúp Việt Nam có cách tiếp cận đa chiều trong ứng phó với BĐKH nói chung và giảm nhẹ phát thải KNK nói riêng.

Fanpage
Liên kết website