Ứng dụng công nghệ hiệu quả năng lượng cải thiện môi trường bệnh viện

Chiều 15/12 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển xanh và công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co.,LTD phối  hợp tổ chức hội thảo "Ứng dụng công nghệ hiệu quả năng lương trong Dự án Bệnh viện xanh và thu hồi, xử lý HCFC".

Hội thảo nhằm giới thiệu kết quả và kinh nghiệm trong ứng dụng thiết bị  hiệu quả năng lượng và xử lý fluorocarbons được thu hồi từ các máy điều hòa không khí thay thế trong khuôn khổ dự án Bệnh viện xanh, qua đó thúc đẩy việc ứng dụng các thiết bị hiệu quả năng lượng, cũng như thu hồi, quản lý và xử lý HCFC an toàn ở Việt Nam, chống phá hủy tầng ô zôn. 

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Tuyết Chinh)

Dự án "Thúc đẩy xây dựng Bệnh viện xanh thông qua nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả và môi trường tại Việt Nam" được kí kết giữa Bộ Công thương và Tổ chức NEDO Nhật Bản được triển khai tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức và Bệnh viện Nhân dân 115  là dự án thí điểm theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Dự án thực hiện việc thu hồi dung môi lạnh gas R22 (HCFC-22) từ các máy điều hòa không khí cũ tháo dỡ từ hai bệnh viện, tiêu hủy toàn bộ HCFC-22 tại Nhà máy Xi măng Holcim ở Hòn Chong, Kiên Giang. 

Với sự tham gia thực hiện tích cực của Tập đoàn Mitshubishi Nhật Bản, Trung tâm Tiết kiện năng lượng TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành lắp đặt, vận hành ổn định hệ thống quản lý năng lượng và hơn 1.000 máy điều hòa nhiệt độ công nghệ biến tần (Inverter) tại hai bệnh viện để thay thế các máy điều hòa cũ đang sử dụng.

Ông Trần Việt Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương cho biết,  tiềm năng ứng dụng, phổ biến sử dụng máy điều hòa nhiệt độ công nghệ biến tần (Inverter), hệ thống thông gió thu hồi năng lượng và hệ thống quản lý năng lượng theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản trong các bệnh viện trên toàn quốc là rất lớn. Kết quả được ghi nhận trong hơn 1 năm qua cho thấy, hệ thống thiết bị được lắp đặt tại hai bệnh viện đã làm giảm tiêu thụ năng lượng tối thiểu 30% so với hệ thống hệ thống điều hòa không khí sử dụng công nghệ truyền thống. Nhờ đó, góp phần giảm phát thải các-bon, cải thiện đáng kể chất lượng môi trường không khí; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của bệnh viện.

Tuy vậy, việc thay thế bằng máy điều hòa nhiệt độ công nghệ biến tần thế hệ mới cũng đặt ra thách thức lớn về việc phải xử lý triệt để rác thải từ các máy điều hòa nhiệt độ cũ đó. Chưa kể, việc thu hồi và xử lý triệt để môi chất lạnh HCFC là nhiệm vụ khó khăn, quan trọng nhất do môi chất lạnh HCFC được xếp vào loại chất thải nguy hại, cần được quản lý chặt chẽ.  

Mặt khác, theo Nghị định thư Montreal mà Việt Nam là một bên tham gia, nước ta phải tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 10% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC vào năm 2020; 67,5% vào năm 2025 và chỉ được phép sử dụng 2,5% lượng tiêu thụ cơ sở trong giai đoạn 2030 – 2040.

Việc ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả trong Dự án “Bệnh viện xanh” và Thu hồi, xử lý triệt để HCFC được triển khai thành công sẽ là cơ sở để Việt Nam mở rộng quy mô, số lượng các cơ sở dịch vụ công, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư nhằm đổi mới, lựa chọn công nghệ tiên tiến, công nghệ cao với chi phí hợp lý trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng từ Nhật Bản. Qua đó, các đơn vị sẽ vừa nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ vừa góp phần giảm phát thải các-bon vào môi trường./.

Fanpage
Liên kết website