Thế giới cần tiếp tục giảm mạnh hơn nữa lượng khí thải CO2

Theo báo cáo Ngân sách Các-bon Toàn cầu thường niên công bố ngày 14/11, lượng khí thải các-bon từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã gần như không tăng trong 3 năm liên tiếp, song vẫn chưa đủ để ngăn tình trạng ấm lên toàn cầu.

Báo cáo này được các nhóm nhà khoa học trên thế giới tổng hợp và xuất bản trong tạp chí Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái Đất, cùng thời điểm diễn ra Hội nghị Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) tại thành phố Marrakesh của Maroc.

Báo cáo cho thấy lượng khí thải CO2 trong năm 2015 đã không tăng và ở mức 36,3 tỷ tấn. Dự báo con số này chỉ tăng khoảng 0,2% vào năm 2016.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu Corinne Le Quere của trường đại học East Anglia (Anh) nhấn mạnh việc năm nay là năm thứ 3 liên tiếp lượng khí phát thải không tăng là điều chưa từng xảy ra vào thời điểm kinh tế tăng trưởng mạnh.

Trong giai đoạn 2004-2013, lượng khí phát thải từng tăng nhanh ở mức 2,3%/năm, trước khi giảm mạnh xuống 0,7% năm 2014.

Theo nhà nghiên cứu Le Quere, đây là một sự hỗ trợ lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu song vẫn chưa đủ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng lượng khí phát thải cần giảm nhiều hơn nữa thì các quốc gia mới có thể giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Khói bay lên từ Nhà máy điện than đá AEP ở New Haven, tây Virginia, Mỹ (Nguồn: AFP/TTXVN)

Để đạt mục tiêu này lượng khí phát thải cần giảm ở mức 0,9%/năm từ nay đến năm 2030.

Báo cáo trên cũng cảnh báo mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển tiếp tục tăng lên mức 23 tỷ tấn CO2 vào năm ngoái và dự báo sẽ tăng lên 25 tỷ tấn CO2 vào năm 2016.

Cũng theo báo cáo, loài người đã thải ra 2.075 tỷ tấn CO2 kể từ năm 1870 và chỉ riêng trong năm 2016 con số này là 40 tỷ tấn CO2.

Báo cáo cảnh báo con người đã sử dụng hết hơn 2/3 hạn ngạch khí thải để giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C. Với mức khí thải hiện nay, hạn ngạch còn lại sẽ được sử dụng trong chưa đầy 30 năm tới.

Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới và có lượng khí phát thải lớn nhất, đang giảm mạnh việc sử dụng than đá, chủ yếu do những quan ngại về ô nhiễm không khí.

Lượng khí phát thải của Trung Quốc đã tăng ở mức 5,3%/năm trong giai đoạn 2005-2014, trước khi giảm mạnh xuống 0,7% trong năm 2015 và dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 0,5% trong năm 2016.

Sự sụt giảm này đã giúp ích rất nhiều cho xu hướng toàn cầu.

Trong khi đó, Mỹ, nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính thứ hai thế giới, đã giảm lượng khí thải ở mức 2,6% trong năm 2015 và dự kiến giảm xuống mức 1,7% trong năm 2017.

Tuy nhiên, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã phủ bóng lên hội nghị COP22 tại Maroc.

Được thông qua tại Hội nghị COP 21 diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp) vào cuối năm ngoái, Hiệp định khí hậu Paris quy định một loạt biện pháp để bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nếu không có Mỹ -nhà tài trợ lớn cho các quỹ chống biến đổi khí hậu – thì việc thực hiện nhiệm vụ trên sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều./.

Theo vietnamplus.vn
Fanpage
Liên kết website