Rừng bị phân mảnh phát thải nhiều các-bon hơn ta tưởng

Những cánh rừng trên trái đất đã bị chia nhỏ thành khoảng 50 triệu phân mảnh rừng với chiều dài bìa rừng tương đương 1/3 khoảng cách từ trái đất tới mặt trời. Ước tính, tình trạng phân mảnh rừng hiện nay có thể khiến các-bon phát thải từ phá rừng tăng thêm tới 31% mỗi năm. Đó là kết quả từ nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Communications.

Cách đây vài trăm năm, hầu hết các khu rừng nhiệt đới rộng lớn là bất khả xâm phạm. Thế nhưng, kể từ khi xuất hiện ngành khai thác khoáng sản và canh tác nông nghiệp, những cánh rừng già vốn tồn tại hàng trăm năm dần bị khai hoang làm bãi chăn thả gia súc, đất trồng đậu tương, dầu cọ và đồn điền trồng keo.

Rừng bị phân mảnh (Ảnh minh họa: Mongabay)

Chủ yếu do áp lực từ các hoạt động của loài người, nhiều cánh rừng nhiệt đới ngày nay chỉ còn tồn tại một cách manh mún. Chẳng hạn, rừng Atlantic trước kia chạy dọc dải duyên hải phía Đông Brazil đến Paraguay, Uruguay, và Argentina, nhưng đến nay ước tính chỉ còn lại khoảng 3,5% độ bao phủ, nằm rải rác xen kẽ các bãi chăn thả và diện tích canh tác.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, phân mảnh rừng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài động vật hoang dã, dẫn đến tỷ lệ tuyệt chủng cao hơn so với các khu vực bị thu nhỏ diện tích nhưng không bị phân mảnh. Tuy nhiên, tác động của sự phân mảnh đối với phát thải carbon đến nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách cụ thể.

Các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu Môi trường Helmholtz (Đức) và trường Đại học Maryland (Hoa Kỳ) đã chỉ ra từ các nghiên cứu trước đó rằng, tỷ lệ sống còn của cây rừng nhiệt đới có liên quan chặt chẽ đến vị trí tồn tại. Những cây sống ở bìa rừng có tỉ lệ chết cao gấp đôi do phải chống chọi với gió lớn, bức xạ mặt trời gay gắt, độ ẩm thấp hơn so với những cây sống sâu trong rừng. Hiện tượng tương tự xảy ra đối với cả những cây cách rìa rừng vài trăm mét.

Để tìm ra tác động của sự phân mảnh đối với phát thải carbon, GS Andreas Huth (Trung tâm Hemholtz) và các cộng sự đã phát triển một phần mềm riêng nhằm phân tích dữ liệu từ vệ tinh và xác định xem con người đã tạo nên bao nhiêu bìa rừng. Kết quả cho thấy, có tới 19% rừng nhiệt đới trên thế giới có chiều dài bìa rừng chưa tới 100 mét.

Ba quốc gia có mức phát thải các-bon cao nhất do rừng bị phân mảnh bao gồm Guatemala, Congo và Indonesia (Ảnh: Brinck et al., 2017)

Ước tính, lượng phát thải các-bon hàng năm từ phá rừng nhiệt đới rơi vào khoảng 1.100 triệu tấn. Dựa trên dữ liệu hiện trường và mô hình máy tính, nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ có thêm khoảng 340 triệu tấn phát thải các-bon do hiệu ứng phân mảnh rừng, tăng tương đương 31% so với ước tính ban đầu về các-bon phát thải từ hoạt động phá rừng.

Theo GS Huth, báo cáo gần nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), hiện tượng này vẫn chưa hề được quan tâm đúng mức. Vì vậy, với kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học hy vọng tác động phát thải carbon của phân mảnh rừng sẽ được lưu tâm và đưa vào các chương trình, chính sách mới về biến đổi khí hậu./.

Theo Mongabay
Fanpage
Liên kết website