Nhà chống ô nhiễm của 3 cô trò Đà Nẵng
Mô hình nhà chống ô nhiễm của 3 cô trò ở TP Đà Nẵng đang được kì vọng vẽ nên viễn cảnh: Dù phải sống ở môi trường ô nhiễm vẫn có thể đảm bảo an toàn sức khỏe.
Đó là thiết kế khoa học đầy tính nhân văn và đậm chất sáng tạo của cô trò Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng. Nhóm thiết kế gồm bạn Quách Đức Huy, Trần Mỹ Duyên (học sinh lớp 11) và cô Trần Thị Thu Nga (giáo viên Sinh).
Thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả, ý nghĩa
Không cầu kỳ, phức tạp cùng chi phí đầu tư cho sản phẩm lại không cao ngất ngưởng như hàng trăm mô hình dự thi khác, thế nhưng “Nhà chống ô nhiễm” của cô Nga và 2 học trò đã xuất sắc giành giải nhì tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc 2016 khu vực phía Nam.
Trước đó, với ý tưởng mới lạ cộng thêm ý nghĩa thực tiễn, mô hình này đã chinh phục được toàn bộ hội đồng giám khảo để “gặt” giải nhất ở hội thi cấp thành phố. Tuy nhiên, chặng đường từ lúc đặt viên gạch đầu tiên cho đến khi hoàn thiện “Nhà chống ô nhiễm” là cả một quá trình gian nan, nỗ lực hết mình của 3 cô trò mang “dòng máu” đam mê sáng tạo khoa học.
Nhắc đến ý tưởng hình thành “đứa con chung”, cô Nga chia sẻ: “Từ thực tiễn nhiều năm qua, cả thành phố đau đầu với vấn đề ô nhiễm triền miên ở bãi rác Khánh Sơn khiến bà con vô cùng khổ sở, tôi và 2 học sinh trong trường đã lên kế hoạch thiết kế nhà ở chống lại tình trạng nhức nhối trên. Phải mất thời gian 3 tháng trời ròng rã thì mô hình mới cơ bản hoàn thiện và mạnh dạn gửi đi thi”.
Huy và Duyên bên mô hình đoạt giải cấp quốc gia (Ảnh: Tam Liên)
Để bắt đầu thực hiện việc “nhào nặn” nên hình hài sản phẩm, 3 cô trò đã tranh thủ quỹ thời gian rảnh ngoài giờ lên lớp, không ngần ngại túc trực ở bãi rác được mệnh danh “ô nhiễm vô đối” của thành phố. Cả ba lân la tìm hiểu, nghiên cứu, sau đó biên soạn hẳn một bản thảo trình bày thực trạng ô nhiễm được thu thập thông tin trực tiếp từ hiện trường. Thậm chí, để có thể đánh giá một cách khoa học, chính xác nhất, cô Nga đã chủ động liên hệ Trung tâm nghiên cứu bảo vệ môi trường của Đại học Đà Nẵng nhờ hỗ trợ thiết bị đo khí.
“Kết quả phân tích cho thấy, đa phần các hộ dân ở gần bãi rác Khánh Sơn là nhà cấp 4 đang xuống cấp, đây là điều kiện thuận lợi cho luồng không khí ô nhiễm xâm nhập. Chính vì vậy, em đã bàn bạc kĩ lưỡng với cô Nga và bạn cộng sự là phải tìm ra loại sơn có thể loại bỏ chất khí gây ô nhiễm. Và sơn có chứa chất Titan đioxit đã được 3 cô trò chọn mặt gửi vàng. Khi quét loại sơn này phủ lên mái tôn hay gạch trước sân sẽ phát huy tác dụng là khí độc ngay lập tức bị oxy hóa”, Huy cho hay.
Mô hình Nhà chống ô nhiễm của 3 cô trò (Ảnh: Tam Liên)
Không dừng lại ở đó, mô hình nhà chống ô nhiễm còn được bổ sung thêm 3 thiết kế quan trọng gồm: máy lọc sử dụng màng lọc bằng than hoạt tính, làm cửa hình cánh buồm xoay linh hoạt và hệ thống cây xanh. Chính ba yếu tố này sẽ góp phần loại bỏ khí độc, khử mùi, diệt khuẩn… từ đó tạo nên bầu không khí trong lành trước tác nhân ô nhiễm.
Đưa mô hình vào thực tiễn
Mặc dù được hội đồng khoa học đánh giá rất cao và ghi nhận bằng vị trí nhì tại cuộc thi sáng tạo kỹ thuật mang tầm quốc tế, thế nhưng mô hình của ba cô trò vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi. Đến thời điểm hiện tại, thiết kế này chỉ mới thử nghiệm tại một hộ dân ở gần ngay bãi rác Khánh Sơn.
Với vỏn vẹn 10 triệu đồng, ngôi nhà mà cô Nga cùng Huy, Duyên đặt “trụ sở” thực hiện đề tài dự thi được khoác “áo mới”. Thiết kế mới mẻ này đã phần nào chống chọi lại với ô nhiễm đeo bám suốt hàng chục năm qua.
Theo cô Nga, cái khó của việc đưa mô hình này đến với toàn bộ các hộ dân gần bãi rác là khâu kinh phí. Nếu được đầu tư bài bản và đúng với thiết kế của ba cô trò thì khoản tiền đầu tư cho mỗi căn hộ sẽ tương đối lớn.
Chia sẻ về nỗi trăn trở này, cô Nga bộc bạch: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình này và cố gắng tìm ra thiết kế tối ưu, hiệu quả nhất có thể để phù hợp với điều kiện người dân. Bên cạnh đó, ba cô trò cũng hy vọng có một tổ chức sẽ đứng ra hỗ trợ chúng tôi thực hiện nhằm ngăn chặn vấn nạn ô nhiễm trong thời gian sớm nhất. Từ đó giúp người dân an cư lạc nghiệp”./.