Năm 2017 Google sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo
Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ cho rằng năng lượng tái tạo ngày càng có chi phí thấp và chuyển sang dùng 100% loại năng lượng này từ năm 2017.
Logo của tập đoàn Google được thể hiện trên hệ thống thu điện mặt trời ở sa mạc Mojave, khu vực nằm gần biên giới giữa hai bang California và Nevada (Ảnh: Reuters)
Theo báo Guardian, các trung tâm dữ liệu và các tòa văn phòng làm việc dành cho khoảng 60.000 nhân viên của Google sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng có thể tái tạo kể từ năm 2017. Đây là "sự kiện bước ngoặt" theo như thông báo của Google.
Trên thực tế, hiện tại Google cũng đã là tập đoàn tiêu thụ điện năng tái tạo lớn nhất thế giới. Năm ngoái tập đoàn này đã mua tới 44% năng lượng điện gió và điện mặt trời. Và nay sẽ là 100% kể từ năm 2017.
Ông Marc Oman, quan chức phụ trách vấn đề năng lượng của Google tại châu Âu cho rằng, lựa chọn này tốt cho doanh nghiệp vì nó không những giúp bảo vệ môi trường tốt hơn mà về lâu dài, lựa chọn này cũng giúp tiết kiệm chi phí hơn cho doanh nghiệp.
Ông Marc Oman nói: "Các nhà sáng lập tập đoàn của chúng tôi tin rằng biến đối khí hậu là một nguy cơ tức thời và có thật, vậy nên chúng tôi phải thực hiện trách nhiệm của mình".
Lâu nay các tập đoàn công nghệ bị xăm soi rất nhiều về mức độ phát thải khí các-bon trong quá trình hoạt động của họ. Tình trạng phát thải này tăng nhanh tới mức các tập đoàn công nghệ chiếm tới 2% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tương đương với ngành công nghiệp hàng không.
Cũng theo ông Oman, Google đã phải mất tới 5 năm để đạt tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượngtái tạo. Kế hoạch đã được khởi động từ năm 2012, tuy nhiên thời gian triển khai kéo dài là vì mức độ phức tạp liên quan tới các thỏa thuận đàm phán mua năng lượng.
Nhu cầu năng lượng lớn nhất của Google là tại các trung tâm dữ liệu. Mặc dù đã thử nghiệm nâng cấp mức độ hiệu quả của việc sử dụng năng lượng thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng tập đoàn này thừa nhận nhu cầu sử dụng năng lượng của họ vẫn ngày càng tăng cao./.