Lý giải nguyên nhân Hà Nội nóng kỷ lục trong 46 năm
Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, so với các vùng ngoại ô, nhiệt độ nội thành Hà Nội cao hơn từ 0,5-3 độ C.
2 ngày liên tiếp vừa qua, nhiệt độ tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc liên tiếp phá kỷ lục.
Thợ lắp điều hòa hối hả phục vụ trong 'chảo lửa' Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải
Tại Hà Nội, ngày 2/6 ở quận Hà Đông ghi nhận mốc chưa từng có là 41,5 độ C. Chiều qua, con số này đã đạt kỷ lục mới 42 độ. Trong khi mức nhiệt cao nhất tại đây ghi nhận mới dừng ở 39,8 độ (năm 2008) và mức cao nhất tại Hà Nội nói chung mới dừng ở 40,4 độ (1971).
Điều đặc biệt, trong hầu hết các đợt nắng nóng, các tỉnh Tây Bắc Bộ hay Bắc Trung Bộ mới là "chảo lửa" thì lần này, thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ là những nơi nóng nhất.
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia
Ông Lê Thanh Hải, Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia giải thích, những lần trước, chủ yếu là áp thấp nóng phía Tây, nên trọng tâm nắng nóng thường đổ về các tỉnh Điện Biên, Sơn La và các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, Con Cuông (Nghệ An).
Lần này sở dĩ có sự "bất thường" do một vùng áp thấp nóng hình thành ngay trên Bắc Bộ, tạo ra nắng nóng gay gắt.
"Trong đợt này, Hà Đông là điểm nóng nhất. Nhiệt độ quan trắc được lên tới 42 độ là vô tiền khoáng hậu", ông Hải nhận định.
Tuy nhiên ông Hải cho rằng, khi so sánh nhiệt độ phải có sự đồng nhất về môi trường. Tại trạm Hà Đông cách đây 20 năm là giữa cánh đồng, giờ xung quanh toàn nhà cao tầng nên nhiệt độ sẽ cao hơn do hiệu ứng đô thị.
Ông cho biết, ngay ở Hà Nội, nếu so nội thành với các vùng ven, ngoại ô cũng đã có thể chênh lệch từ 0,5-1 độ C do trong thành phố nhiều nhà bê tông, mặt đường nhựa, ít cây xanh.
Nếu so với các vùng núi cao như Ba Vì hay những khu vực có nhiều hồ nước lẫn cây xanh thì nhiệt độ tại đây có thể thấp hơn nội thị từ 2-3 độ C.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng cho rằng sở dĩ nội thành nóng gay gắt hơn do quá trình bê tông hóa, chặt cây làm giảm màu xanh của đô thị.
"Việc xây các nhà cao tầng và sử dụng điều hòa không khí tỏa nhiệt ra xung quanh nên lưu thông không khí rất kém, đây cũng là một trong những nguồn làm nhiệt độ không khí ngày càng tăng", GS Đăng phân tích.
Để giải quyết môi trường khí hậu đô thị, theo GS Đăng, quan trọng nhất vẫn là việc tăng cường diện tích cây xanh, màu xanh và tăng diện tích mặt nước.
Đồng quan điểm, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Hùng chỉ ra hàng loạt nguyên nhân do con người như: Không đảm bảo xây dựng, không đảm bảo hồ điều hòa, cây xanh, không che chắn mặt đường và những khu vực bị bê tông hóa hoặc nhiều tòa nhà dùng kính phản quang gây bức xạ nhiệt.