Kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm: Bài toán nan giải
Ô nhiễm môi trường ngày càng tác động rõ nét đến đời sống kinh tế - xã hội, thực sự là một nguy cơ cho sự phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi phải giám sát, ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ, nhất là các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Tuy nhiên, nhìn vào nguồn lực hiện nay có thể thấy đó là bài toán rất nan giải.
Báo động đỏ
Thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chiều hướng dịch chuyển vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường, như: Luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm… Tình trạng gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra là bài học lớn, cho thấy thực trạng nhiều doanh nghiệp trong quá trình đầu tư đã đặt lợi nhuận lên trên hết mà không tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.
Xử lý chất thải công nghiệp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội (Ảnh: Bá Hoạt)
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cùng với đó là 283 khu công nghiệp, với hơn 550.000m3 nước thải/ngày - đêm; 615 cụm công nghiệp mà chỉ khoảng 5% trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong hơn 500 nghìn cơ sở sản xuất đang hoạt động, có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm, công nghệ sản xuất lạc hậu. Ngoài ra, 787 đô thị thải ra bình quân 3 triệu mét khối nước thải/ngày - đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý. Một con số cũng khiến nhiều người phải giật mình là mỗi năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại... Rõ ràng, mối nguy hại từ các khu công nghiệp, nhà máy, với công nghệ sản xuất lạc hậu, đe dọa tới môi trường sống rất đáng báo động.
Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát gần đây là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển. Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề diễn ra trên diện rộng chứ không chỉ một vài điểm. Kéo theo đó là khiếu kiện đông người về môi trường tạo ra những điểm "nóng" về trật tự xã hội. Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định, đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân.
Kiểm soát chặt các nguồn gây ô nhiễm
Từ các sự cố môi trường vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương rà soát các nguồn xả thải. Không ít địa phương đã tuyên bố từ chối hoặc cam kết loại bỏ các dự án, nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ kêu gọi sự tự giác của chủ đầu tư, hệ thống giám sát, quan trắc môi trường sẽ là một quy trình bắt buộc, có công cụ kiểm soát thường xuyên, bất cứ lúc nào, để bảo đảm tính khách quan, chính xác, trung thực.
Tại hội thảo “Phát triển bền vững - xu thế tất yếu và sự cần thiết đối với doanh nghiệp” mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Văn Tài cho biết, Bộ TN&MT sẽ tập trung kiểm tra, có giải pháp mạnh vào nhóm 20% doanh nghiệp, dự án lớn, công nghệ lạc hậu gây ra 70-80% vấn đề về môi trường. "Chính phủ cho phép Bộ và các cơ quan liên quan thực hiện biện pháp mạnh, kiên quyết để phòng ngừa sự cố, giảm thiểu ô nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh nhiều vấn đề "nóng" về môi trường nổi lên thời gian qua" - ông Nguyễn Văn Tài nói.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài, có ba hướng tiếp cận trước mắt và lâu dài trong xử lý các vấn đề môi trường mà Tổng cục và các đơn vị liên quan sẽ triển khai trong thời gian tới. Thứ nhất là cách tiếp cận hệ thống, bài bản, bình tĩnh; trong đó, sẽ xem xét đến vấn đề thu hút đầu tư, loại hình sản xuất gây ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, vùng miền nhạy cảm về môi trường; cùng với đó, xem xét, đánh giá, giám sát việc bảo vệ môi trường của doanh nghiệp... Thứ hai là gắn trách nhiệm của các bên liên quan về môi trường. Thứ ba, tập trung vào nhóm đối tượng 20% nêu trên.
Tuy nhiên, để làm được các công việc trên bài bản, khoa học là không hề dễ dàng. Đặc biệt, nguồn lực về con người, kỹ thuật và kinh phí đến nay vẫn luôn là bài toán nan giải./